Một người nước ngoài có thời gian sống khá lâu ở Việt Nam, chia sẻ trên một Blogs viết bằng tiếng Việt rằng: "Việt Nam là một xứ sở có nhiều truyền thuyết dân gian. Đặc biệt họ có các truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước đầy chất nhân văn. Chuyện bọc trăm trứng là một ví dụ. Truyền thuyết Bọc trăm trứng lý giải nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Buổi hồng hoang đất nước, Lạc Long Quân và bà Âu Cơ nên duyên chồng vợ, đẻ được một bọc trăm trứng, về sau nở được trăm con. Để mở mang và trấn giữ bờ cõi, Lạc Long Quân dẫn 50 người con về miền biển, Âu Cơ dẫn 49 con lên ngàn, người con trưởng ở lại xưng vương, mở đầu thời đại Hùng Vương dựng nước, mở trang đầu trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt Nam”.
Qua con mắt của người nước ngoài, chúng ta càng từ hào về dân tộc ta - một dân tộc có chung nguồn gốc, giống nòi. Trong cuộc mưu sinh, lập nghiệp, người Việt luôn lấy tinh thần cố kết cộng đồng làm sức mạnh rời non lấp biển. Dù ở vùng núi cao hay miền duyên hải, dù là dân tộc Kinh hay các dân tộc thiểu số, người Việt Nam ta đều chung dòng máu Lạc Hồng, đều chung một nguồn cội con Rồng, cháu Tiên. Bởi thế, chúng ta có chân lý của mình để đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước. Câu ca: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, là cách nói dân gian về truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, về đạo lý “Thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Cha ông chúng ta có những triết lý về nguồn cội, về sự tri ân, báo đáp: Chim có tổ; người có tông; lá rụng về cội; quay đầu về núi; uống nước nhớ nguồn... thấm đẫm giá trị nhân văn. Các dấu tích lịch sử, văn hoá thời Hùng Vương cho thấy nhu cầu cố kết cộng đồng, khát vọng tình cảm, tâm linh hướng tới sự đoàn kết quốc gia dân tộc.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ rất hay về chim Lạc, một biểu tượng về lịch sử dân tộc được khắc hoạ trên mặt trống đồng: Dân tộc ta là con chim lạc ấy/ Hai cánh thời gian đập sáng một con đường. Có thể là sự so sánh khập khiễng, nhưng tôi cứ liên tưởng, dòng người trẩy hội Đền Hùng đến nghìn vạn người hôm nay tựa một đàn chim Lạc đông đúc và hoành tráng tụ về chung quanh cờ Hội, dưới cao xanh trời Nghĩa Lĩnh cùng chung tâm nguyện giỗ Tổ Hùng Vương.
Những năm qua, không chỉ vào kỳ chính hội, ngay cả những năm lẻ như năm nay, mỗi ngày có tới mấy mươi vạn người, có ngày cả triệu người như đàn chim Lạc rộn ràng bay về vòm trời Nghĩa Lĩnh, tìm về nguồn cội, tổ tông. Trong lễ dâng hương mà nhiều báo chí trong nước khẳng định là “trang trọng và thành kính” thành phần tham gia rất phong phú, từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các tỉnh, thành đến các đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân; đặc biệt có cả đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài cũng về giỗ Tổ. Trong âm thanh được truyền đi trực tiếp từ lễ dâng hương trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, cũng như người ở Đền Hùng, cả mấy chục triệu con tim Lạc Việt khắp bốn phương trời cùng hướng lòng mình về nơi Kính Thiên Lĩnh Điện, nghe âm thanh hào sảng của “Bài ca Quốc Giỗ Việt Nam”. Năm nay, đúng ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba, các gia đình ở tỉnh Phú Thọ đều làm mâm cơm tại nhà để thờ cúng, tri ân các vua Hùng. Trước đó, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu bài vị thờ con cháu, tướng lĩnh của các vua Hùng và lễ vật của các thôn làng quanh đền Hùng lên đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh diễn ra thành kính, trang nghiêm. Tất cả những điều đó cho thấy sức sống lâu bền và ngày càng đi vào đời sống nhân dân của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Ông Hồ Đại Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội đền Hùng của tỉnh khẳng định: Năm nay, với sự tham gia "góp giỗ" của thành phố Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Sơn La; các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ giỗ Tổ khá phong phú, hoạt động nào cũng tạo được ấn tương sâu đậm trong lòng công chúng.
Một chương trình khai mạc lễ hội hoành tráng diễn ra trên Quảng trường Hùng Vương ở thành phố Việt Trì giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng văn hóa Bắc- Trung - Nam, đặc biệt là văn hóa đặc sắc vùng đất Tổ. Trên sân khấu Trung tâm lễ hội Đền Hùng, Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương là các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ Sơn La, Nghệ An, Cần Thơ cũng như trình diễn Hát Xoan của các đoàn nghệ thuật, các câu lạc bộ, các phường Xoan ở Phú Thọ thu hút đông đảo người xem. Một hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy diễn ra sôi nổi và đầy hào hứng. Hội Sách đất Tổ và các cuộc trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, ảnh nghệ thuật, mỹ thuật luôn tạo ấn tượng với du khách tham quan. Giải Bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc cúp Hùng Vương diễn ra tại nhà luyện tập và thi đấu thể thao tỉnh Phú Thọ cũng như Giải Bóng chuyền quần chúng diễn ra tại Khu di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Giải Bơi chải truyền thống trên sông Lô đã tô điểm màu sắc Lễ hội thêm phong phú. Hội chợ Hùng Vương thu hút gần 5 vạn người tham quan. Hội trại văn hoá mang sắc thái đa dạng, cũng như trình diễn diễn xướng dân gian. Các nghệ sĩ từ Xê- un Hàn Quốc mang tới Việt Trì những tác phẩm tiêu biểu tham gia trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương cho thấy việc hội nhập, giao lưu văn hóa giữa nước ta với các nước ngày càng mở rộng, ngay cả ở những lễ hội truyền thống. Việc các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành viên Ban Tổ chức có mặt trong hầu hết các hoạt động văn hoá; việc đông đảo nhân dân đến thưởng thức... cho thấy sự quan tâm và sự sâu sát đối với chương trình giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 và hiệu quả của xu thế xã hội hoá các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, thể thao trong lễ hội.
Dưới vòm trời Nghĩa Lĩnh, năm nay không gian Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tiếp tục được chỉnh trang và mở rộng. An ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo ở mức tốt nhất, không tồn tại các hiện tượng bán hang dong, chèo kéo khách, bán hàng không đúng giá niêm yết. Hàng nghìn tình nguyện viên đến từ các đội thanh niên xung kích thành phố Việt Trì, các trường đại, học cao đẳng ở Phú Thọ đã tích cực tham gia công tác điều tiết, hướng dẫn giao thông, hỗ trợ du khách và cùng với các nhân viên của Công ty Dịch vụ đô thị Việt Trì, Ban quản lý Khu Di tích Đền Hùng đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp cho không gian Lễ hội.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Hợi 2019 đã khép lại, nhưng dư âm và ý nghĩa nhân văn cũng như những thành công trong công tác tổ chức sẽ còn lắng đọng lâu dài. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã và đang là "lễ hội kiểu mẫu" của cả nước. Có thế vẫn còn những tồn tại cần rút kinh nghiệm, có thể cần những đề án về tổ chức lễ hội, nhưng dù là hình thức nào, điều mang lại thành công cho lễ hội chính là sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương và sự quan tâm của nhà nước.
Đã thành ý thức dân tộc, tiềm thức nhân dân, hàng năm, cứ đến mùa hoa gạo nở đỏ trời thì: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba...Ngày Giỗ Tổ, đàn chim Việt từ bốn phương lại bay về, hội tụ dưới trời Nghĩa Lĩnh.
Nguyễn Sản
Người gửi / điện thoại