Công ty TNHH thương mại và xây dựng Ngọc Tuệ đầu tư dây chuyền hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Làm thế nào để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp đang là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm? Đó là những nội dung mà Phóng viên và các ông Nguyễn Khắc Phương - Giám đốc Công ty TNHH Cửa Hoàng Phương và ông Nguyễn Ngọc Tuệ - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Ngọc Tuệ có trao đổi tâm đắc.
PV: -Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành thách thức và là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường và phát triển, doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này như thế nào, Thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Tuệ: -Trong môi trường năng động và đầy tính cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp nào chỉ cần chững lại thôi thì các doanh nghiệp khác ở khắp mọi nơi sẽ vượt lên chiếm lĩnh thị trường ngay. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp phải luôn tìm cách để làm sao tăng được năng suất, thêm được các sản phẩm dịch vụ mới. Nếu sản phẩm dịch vụ cũ thì phải tăng được năng suất và tăng thêm được tính năng để có thể cạnh tranh được tốt trên thương trường, mang lại hiệu quả cho người dùng và xã hội. Để làm được việc đó, phải luôn luôn tư duy để đổi mới sáng tạo, giúp cho những sản phẩm, dịch vụ, cách thức bán hàng tăng hiệu quả, tăng năng suất cũng như thêm được tính năng cho người dùng. Đó chính là mấu chốt giúp cho doanh nghiệp của chúng tôi phát triển.
PV: -Với các doanh nghiệp nhỏ, thường sản xuất một số chi tiết hoặc một phần của sản phẩm thì việc cạnh tranh về giá có phải là sự lựa chọn phù hợp trong điều kiện cạnh tranh hiện nay?
Ông Nguyễn Khắc Phương: - Giá thành sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp chiếm được lợi thế trên thị trường, tuy nhiên, cuộc cạnh tranh về giá bán trong thời hội nhập là lựa chọn không sáng suốt. Sự “hạ giá” sản phẩm mang lại lợi nhuận thấp, buộc doanh nghiệp phải “hạ” cả tiêu chuẩn chất lượng, từ đó gây ra sự mất uy tín đối với thị trường. Thực tế, các sản phẩm của nước ngoài hoặc các tập đoàn, công ty lớn có mức giá khá cao nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng. Bởi vậy, trong môi trường hội nhập toàn cầu như hiện nay, dù là doanh nghiệp nhỏ cũng phải xác định sản phẩm của mình nhắm vào đối tượng khách hàng nào? Theo tiêu chuẩn quốc gia, khu vực hay quốc tế? Nói một cách đơn giản tức là doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt với mức giá hợp lý, kèm theo đó là những ưu thế về khoảng cách địa lý để áp dụng các dịch vụ chăm sóc khách hàng, cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Điều quan trọng mang tính gốc rễ là yếu tố con người và văn hóa doanh nghiệp.
PV:-Yếu tố con người và văn hoá doanh nghiệp có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Ngọc Tuệ: -Chúng ta thường nói “đi tắt đón đầu”, nhưng “muốn vượt phải đuổi kịp đã”. Ở các nước, các tập đoàn, công ty lớn, họ không những mạnh về vốn, về kỹ thuật mà yếu tố con người và văn hoá doanh nghiệp cũng được xây dựng rất bài bản. Trong môi trường hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ muốn cạnh tranh ở “biển lớn” cần ưu tiên hàng đầu cho xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà trọng tâm là đầu tư vào con người, xây dựng đội ngũ nhân viên trung thành, tận tụy với sứ mệnh của doanh nghiệp làm lợi thế cạnh tranh. Bởi con người và văn hoá doanh nghiệp là yếu tố không thể dùng vốn để mua được. Trong thời đại này, việc chỉ dựa vào vốn tiền tệ, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên không còn là năng lực cạnh tranh cốt lõi nữa. Cần có vốn tri thức, tài nguyên con người thì doanh nghiệp mới có thể gia tăng giá trị và thu lợi nhuận.
PV:-Nếu như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được hiểu là khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận thì các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn gì?
Ông Nguyễn Khắc Phương: -Do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cạnh tranh cả ở trong và ngoài tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường toàn cầu do các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia chi phối. Có thể thấy, trình độ, năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp có hạn chế rất lớn, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh mà vẫn chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kinh doanh theo “phi vụ”. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ rất hạn chế, từ đó kéo theo máy móc, dây chuyền, công nghệ sản xuất thua kém và trình độ của người lao động chưa cao, phần lớn lao động theo kinh nghiệm chứ chưa có tay nghề…
PV: -Như vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước và của tỉnh, doanh nghiệp cần giữ thế chủ động trong quá trình hội nhập?
Ông Nguyễn Ngọc Tuệ: -Trong mọi điều kiện kinh doanh, các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết trong quản lý, đàm phán, cạnh tranh… Sân chơi hiện nay không còn trong “ao làng” và “miếng bánh thị trường” có thể bị chia nhỏ hoặc bị chiếm lĩnh bất kể lúc nào, bởi vậy các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực thực hiện liên kết, hợp tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Trong mỗi doanh nghiệp, cần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, chuyên nghiệp, làm động lực thúc đẩy sức sáng tạo và sức cạnh tranh. Đồng thời, trước yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế… cần có nguồn nhân lực có đầy đủ tay nghề, kinh nghiệm, kỹ năng phù hợp để mỗi sản phẩm tạo ra đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới...