65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Những \'lát cắt\' lịch sử
Những cựu binh trận Điện Biên Phủ khi xưa ngày càng vắng bóng, nhưng những tìm tòi, phát hiện về trận chiến nơi “thung lũng của những anh hùng” chưa bao giờ dừng lại...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954	 /// Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
ẢNH: TƯ LIỆU
 
Những thông tin, tư liệu được công bố gần đây của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” cách đây 65 năm.

“Nếu đánh nhanh, chắc chắn sẽ thất bại”

 
 
65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019): Những 'lát cắt' lịch sử - ảnh 1
Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” - phương châm quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ - không phải do cố vấn Trung Quốc đề xuất và quyết định rồi truyền đạt lại cho VN như một số học giả Trung Quốc từng nêu ra
65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019): Những 'lát cắt' lịch sử - ảnh 2
 
PGS-TS Phạm Đức Kiên, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
Một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm trước là việc thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” mà người ra quyết định cuối cùng là Tổng tư lệnh chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Song nhiều học giả Trung Quốc lại cho rằng, sự chuyển đổi này là do cố vấn Trung Quốc đề xuất rồi truyền đạt lại cho VN. Sự thật ra sao?
Trong bài viết Bài học về độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế qua chiến dịch Điện Biên Phủ, PGS-TS Phạm Đức Kiên, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho hay ban đầu, một bộ phận chỉ huy, tham mưu chiến dịch và đoàn cố vấn Trung Quốc đi trước đã đề xuất phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, thực tế tình hình chiến trường thay đổi hết sức nhanh chóng. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ chỉ huy Pháp tăng cường thêm nhiều lực lượng, phương tiện, vũ khí cho Điện Biên Phủ, đồng thời khẩn trương gia cố hệ thống trận địa phòng ngự theo mô hình tập đoàn cứ điểm - một mô hình mà lực lượng quân đội ta chưa có kinh nghiệm đánh. Hơn nữa, hành trình kéo pháo vào trận địa của bộ đội ta gặp nhiều khó khăn nên bị chậm so với thời gian quy định.
Căn cứ thực tế chiến trường, sáng 26.1.1954, Đảng ủy mặt trận đã họp dưới sự điều hành của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi thảo luận đã đi tới quyết định cuối cùng là thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”, bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Nếu đánh nhanh, giải quyết nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại”.


65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019): Những 'lát cắt' lịch sử - ảnh 3

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries chiều 7.5.1954

                                                                                                                                  ẢNH: TƯ LIỆU

“Trước sự thay đổi của tình hình chiến trường, ngày 24.1.1954, lãnh đạo đoàn cố vấn Trung Quốc cũng gửi điện về nước xin ý kiến thay đổi phương châm tác chiến; nhưng đến ngày 27.1.1954, đoàn cố vấn Trung Quốc mới nhận được điện đồng ý thay đổi phương án tác chiến của T.Ư Quân ủy Trung Quốc. Do đó, phương châm “đánh chắc, thắng chắc” - phương châm quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ - không phải do cố vấn Trung Quốc đề xuất và quyết định rồi truyền đạt lại cho VN như một số học giả Trung Quốc từng nêu ra”, ông Kiên viết.

“Trận chiến 5 ngọn đồi”

Ngày 13.3.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm của quân Pháp, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 56 ngày đêm sau đó, cuộc chiến diễn ra ác liệt và gây ra không ít thương vong cho cả hai bên, đặc biệt là trong đợt 2 của chiến dịch (từ 30.3 - 1.5.1954) mà người Pháp vẫn gọi là “trận chiến 5 ngọn đồi”. Trong bài viết Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bước trưởng thành trong tác chiến hiệp đồng binh chủng của đại đoàn 316, thượng tá Nguyễn Quốc Triệu, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 - sư đoàn được giao nhiệm vụ chủ công đồi A1, viết: “Từ đêm 1 - 3.4, trên đồi A1 diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt. Địch dựa vào một hầm cố thủ chống trả quyết liệt, bộ đội ta bị thương vong nhiều”.
Để tiêu diệt hầm cố thủ của địch ở đồi A1, Đại đoàn 316 trình bày với Bộ chỉ huy chiến dịch kế hoạch đào một đường hầm từ trận địa ta đến dưới hầm địch rồi dùng một lượng thuốc nổ gần 1.000 kg đánh sập hầm. Ta thi công được vài đêm thì địch phát hiện thấy tiếng động trong lòng đất, chúng nghi ngờ và cho máy bay, đại bác bắn phá liên tục xuống trận địa. Đường hầm ở đồi A1 vì thế đào chậm hơn dự kiến. Các chiến sĩ công binh đã tiến hành công việc ngay dưới mũi súng quân thù.
“Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6.5, tại đồi A1, Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba ra lệnh nổ bộc phá. Một chớp lửa và một tiếng ục nặng nề, trên đồi A1 có nhiều cột khói bốc lên. Đến 4 giờ 30 sáng 7.5, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) đã làm chủ đồi A1, đồng thời tích cực chi viện cho Trung đoàn 98 tiến công đồi A3; sẵn sàng đánh địch phản kích ở đồi A1, phối hợp với Tiểu đoàn 439 đập tan kế hoạch tăng viện của địch cho C2. Chiến thắng ở các đồi A1, C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm Điện Biên Phủ”, thượng tá Triệu viết.

“Tất cả đã kết thúc”

Trong cuốn Điện Biên Phủ - 13.3 - 7.5.1954 vừa được Cục Thông tin lưu trữ (Bộ Nội vụ) giới thiệu cách đây vài hôm, tác giả Ivan Cadeau đã mang đến những thông tin mới về thời khắc thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ cách đây 65 năm. Cadeau viết: “Vào khoảng 15 giờ (7.5.1954), các trung đoàn Việt Minh mở lại cuộc tấn công; toàn bộ mạn đông của tập đoàn cứ điểm đã rơi vào tay quân đội Việt Minh. Mọi nỗ lực kháng cự từ lúc ấy trở nên vô vọng. Vào lúc 16 giờ, tướng De Castries quyết định chấm dứt chiến đấu tại khu trung tâm. Ông ta báo cáo điều này với cấp trên trong cuộc điện đàm cuối cùng vào lúc 17 giờ. Việc khôi phục nội dung cuộc điện đàm này được rất nhiều người biết đến và trên thực tế bị cắt xén đi nhiều. Trong bản điện đàm gốc, Cogny nêu rõ việc cấm giơ cờ trắng, điều mà De Castries đang nghĩ tới để bảo vệ thương binh nhưng điều này không có trong các bản ghi lại chính thức được công bố tới công chúng… Sau đó, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, sau 56 ngày chiến đấu, một sự im lặng bao trùm lên Điện Biên Phủ. Im lặng. Tất cả nhân chứng về chiến dịch đều nhớ cái bầu không khí lạ lùng, đột ngột diễn ra sau tiếng nổ của bom đạn, sau sự mệt nhọc và sau những hy vọng bị tan vỡ. Tất cả đã kết thúc. Bộ đội Việt Minh dần tỏa ra khắp khu trung tâm và bắt đầu tập hợp tù binh lại”.Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc vào buổi chiều ngày 7.5.1954, nhưng sức ảnh hưởng của chiến dịch ấy thì không dừng lại ở đó. Trong bài viết Điện Biên Phủ với chính trường nước Pháp, đại tá Lê Đức Hạnh, Viện Lịch sử quân sự VN, cho biết khi Điện Biên Phủ thất thủ, không chỉ có Navarre, Cogny hay De Castries tỏ ra thất thần mà cách đó nửa vòng trái đất, cả nước Pháp hầu như chết lặng. 13 giờ 42 phút ngày 8.5.1954, tin Điện Biên Phủ thất thủ đến Paris như một vệt thuốc súng. 16 giờ 45 phút, tại cung điện Bourbon, Thủ tướng Laniel thông báo tình hình đến quốc hội Pháp. Trong trang phục đen và nét mặt tái nhợt, Laniel nặng nề bước lên diễn đàn. Ông ta bắt đầu bằng giọng nói đứt quãng: “Chính phủ… vừa được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu quyết liệt...”.

“Tiếng sấm Điện Biên Phủ”

Trong bài viết Điện Biên Phủ với chính trường nước Pháp, đại tá Lê Đức Hạnh, Viện Lịch sử quân sự VN, viết: “Điện Biên Phủ không chỉ là sự kiện khiến chính trường nước Pháp luôn bất ổn trong thập niên 60 của thế kỷ 20 mà còn là sự kiện luôn đeo đẳng nước Pháp nhiều thập niên sau đó. Đúng như nhận định của ký giả người Pháp J.Roa trong cuốn Trận Điện Biên Phủ đã viết: “Trong toàn thế giới, trận Waterloo cũng ít tiếng vang hơn… Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ sẽ còn vang mãi”. Tương tự, Bernard Fall, nhà sử học Mỹ gốc Pháp, viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng tới chúng ta nhiều chục năm nữa”...

(Theo báo trong nước)

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542