Phú Thọ tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin
Theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2018 do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, Phú Thọ xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2017. Khoảng cách giữa Phú Thọ với các địa phương đứng top đầu ngày càng được thu hẹp. Việc liên tiếp tăng bậc trong bảng xếp hạng này cho thấy Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành và lĩnh vực.
image001_311.jpg
Cán bộ, công chức, viên chức của huyện Yên Lập sử dụng thành thạo các phần mềm để nâng cao chất lượng giải quyết công việc

Những năm qua, Phú Thọ có nhiều khởi sắc trong lĩnh vực CNTT. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là việc xây dựng chính quyền điện tử và mô hình đô thị thông minh đều xác định CNTT là mũi nhọn. Quan điểm vững từ nền móng trong phát triển CNTT tiếp tục được các cấp, các ngành liên quan tập trung duy trì và phát huy.

Tiên phong xây dựng chính quyền điện tử để thay đổi từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, Yên Lập đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT ngày càng hiện đại với hệ thống máy tính trang bị đồng bộ, kết nối mạng Internet băng thông rộng đến cấp xã. Huyện đã tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử; lưu trữ văn bản đi, đến; quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 100% các đơn vị đã ứng dụng chữ ký số để tiết kiệm thời gian và kinh phí giao dịch.

Yên Lập cũng tích cực triển khai phần mềm một cửa tích hợp, hệ thống tin nhắn SMAS vào hoạt động. Nhiều đơn vị đã sử dụng các phần mềm ứng dụng như: Phần mềm quản lý ngân sách (TAPMIS); phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; phần mềm quản lý hệ thống giáo dục (Smas), quản lý thông tin phổ cập giáo dục - chống mù chữ (Prosoft.ESCI)... Từ đó mang lại tiện ích lớn trong giải quyết công việc và lưu trữ dữ liệu.

Bên cạnh đó, Yên Lập còn ghi dấu ấn ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại của huyện. Là cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ của người dân tại Bộ phận Một cửa, chị Lê Mai Linh khẳng định: “Hệ thống trang thiết bị hiện đại không chỉ mang đến sự thuận tiện cho người dân, mà còn giúp công việc của chúng tôi được xử lý nhanh chóng, khoa học, hiệu quả hơn”.

Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh, hạ tầng CNTT ngày càng được đánh giá cao với mạng diện rộng của tỉnh được thiết lập, kết nối các cơ quan cấp tỉnh và huyện trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ cán bộ công chức cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt 98%; cấp xã, phường, thị trấn đạt 70%. 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao phục vụ công tác. Trong đó, 15 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện có mạng nội bộ kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm.

image003_198.jpg
Cán bộ công chức xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hộ tịch, lưu trữ hồ sơ phục vụ công dân

Trong các cơ quan Nhà nước, 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các cơ quan, đơn vị tích cực gửi, nhận văn bản điện tử song song với văn bản giấy. Tính đến tháng 6/2019, tổng số văn bản đi, đến được gửi nhận thông qua hệ thống phần mềm là trên 90.500; tổng số văn bản được gửi nhận liên thông trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 10.239. Hơn 8.000 hộp thư điện tử công vụ đã được cấp cho cán bộ công chức trong tỉnh. Ứng dụng chữ ký số được triển khai hiệu quả trong các giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh.

Hiện nay 100% các sở, ban, ngành đã đưa vào sử dụng hệ thống Một cửa điện tử và 8 huyện, thành, thị đã triển khai sử dụng hệ thống Một cửa điện tử hiện đại. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị có trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu, theo dõi quá thông tin.

Đáng chú ý, trong năm 2018, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm được trang bị hệ thống thiết bị CNTT hiện đại với 2 máy chủ ứng dụng; 2 máy chủ cơ sở dữ liệu; 32 máy tính để bàn cấu hình cao; 5 máy tính để bàn (All-in-One) để người dân sử dụng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra còn có các thiết bị hiện đại khác như hệ thống camera giám sát, tivi LED… Trung tâm là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, Trung tâm đã đã tiếp nhận 6.665 hồ sơ và thực hiện giải quyết 6.466 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97% hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn.

Phú Thọ cũng đạt kết quả tích cực trong công tác phát triển nguồn nhân lực CNTT. Hiện nay, trên 98% CBCC trong các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh sử dụng thành thạo máy tính để tìm kiếm, khai thác thông tin, phục vụ công tác chuyên môn. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan Nhà nước ngành dọc đóng trên địa bàn đã bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT, hằng năm được tập huấn kiến thức về CNTT.

Nhờ đầu tư và ứng dụng CNTT, nền hành chính của tỉnh đã được hiện đại hóa; môi trường công vụ được xây dựng hiện đại, minh bạch; cách thức tiếp cận, giao dịch giữa tổ chức, người dân và chính quyền cũng đã được chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại. Tháng 5/2019, thành phố Việt Trì hoàn thành dự án xây dựng đô thị thông minh, làm cơ sở để tiếp tục ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng hoạt động của đô thị và công tác quản lý trên toàn tỉnh. CNTT thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh phát triển, từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Để tiếp tục giữ vững những kết quả khả quan đã đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng tới việc nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật CNTT ngày càng hiện đại, đồng bộ. Song song với đó, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung. Đồng thời khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT.
Khánh Trang
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542