Nực cười bởi cái danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” thì người dân bình thường cũng nhận thấy sự bất thường, mập mờ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định không hề cấp phép tổ chức cuộc thi, bình chọn danh hiệu này.
Bất bình vì người mang danh hiệu rất “lạ đời”, hoạt động trong lĩnh vực hầu như chẳng liên quan gì đến phát triển thương hiệu và chống hàng giả, mà lại được đưa vào làm phó trưởng ban này (thuộc Viện Công nghệ chống làm giả, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam)!
Và càng không hiểu nổi, bởi trong những năm qua ở nước ta đã có quá nhiều danh hiệu hão, giải thưởng rởm, chứng nhận “chui”, mà cả bên trao và bên nhận đều tham gia nhằm vụ lợi, lừa dối công chúng, người tiêu dùng… Nhưng tình trạng này vẫn cứ thường xuyên tái diễn!
Ai cũng biết chuyện có không ít doanh nghiệp và hiệp hội lợi dụng những “lỗ hổng”, sự thiếu chặt chẽ trong các quy định pháp luật hiện hành, nghĩ ra các danh hiệu hão, giải thưởng rởm để mời gọi tài trợ, thậm chí ép buộc các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp nhằm thu lời. Rồi mức tiền nộp chính là cơ sở để định danh cao-thấp… Thực tế này khiến dư luận bức xúc vì nó làm cho thật-giả, tốt-xấu lẫn lộn, khó phân biệt; làm rầu lòng, xúc phạm những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp thực sự điển hình đã được tôn vinh chính đáng.
Với những kẻ cố tình lợi dụng kiếm tiền bằng cách mua bán danh hiệu-giải thưởng thì không thể chỉ dùng biện pháp nhẹ và tuyên truyền, giáo dục suông. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành những quy định chặt chẽ hơn về việc tôn vinh, phong tặng danh hiệu-giải thưởng để các đối tượng hết đường "lách luật", nhất là xác định rõ cấp có thẩm quyền tổ chức, cấp bằng chứng nhận và tiêu chí, thành phần hội đồng xét giải; tính đại diện, tỷ lệ được tôn vinh danh hiệu-giải thưởng trên tổng số đối tượng tham dự; cấm thu tiền của các tập thể, cá nhân dự giải dưới mọi hình thức; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Nếu không làm kiên quyết, chặt chẽ thì sẽ rất khó dẹp vấn nạn "loạn" danh hiệu-giải thưởng rởm.
(Theo Báo QĐND)