Bao nhiêu tài sản còn lại trong nhà bà Choẽ bán hết để chữa bệnh cho Chụm, trả bớt nợ cho Chiến và đi cầu cúng giải hạn. Của thiên thì lại trả cho địa, miễn sao nhà bà ấm cúng hạnh phúc yên hàn như xưa là được.
Nhà văn Đỗ Xuân Thu đi tìm hiểu thực tế đời sống để sáng tác.
1
Đêm tháng hai, trời không trăng không sao. Côn trùng rỉ rả tấu lên bản nhạc gọi mùa sinh nở. Tiết xuân ấm áp. Có vẻ như trời rất muốn mưa nhưng xem ra vẫn còn bậm bực khó ở lắm. Lúc nồm, lúc rét rất đỏng đảnh. Thi thoảng làn gió từ cánh đồng Cây Vối thổi tới khiến da thịt lão Choẽ mơn man. Đã gần sáu chục tuổi rồi nhưng cứ hễ đến cái tiết xuân thì này là lão Choẽ lại cảm thấy như tiếp thêm luồng sinh khí mới.
Mười một giờ đêm. Hít căng lồng ngực cho làn gió xuân thấm sâu vào mãi tận trong lá phổi, lão hăm hở vác cuốc ra vườn. Anh Chụm, con trai trưởng của lão xăm xoe cầm cái đèn pin chạy trước soi đường. Con dâu lão tay xách thùng nước, tay cầm cái xẻng bậm bạch bước theo sau. Đêm nay, ba cha con lão bí mật triển khai một việc rất hệ trọng. Họ không bàn với ai, kể cả bà Toe vợ lão. Bàn chuyện lớn với đàn bà rách việc lắm. Bà ấy mà biết là hỏng việc ngay. Tính bà thế, cấm có giữ được điều gì trong bụng lấy một ngày. Vợ Chụm nó còn biết điều, nói nó còn nghe, chứ với bà Toe thì… còn lâu nhé. Cái gì bà ấy cũng phải giữ phần hơn. Thế cho nên, lão phải lừa cho mấy bà cháu về chơi nhà thằng Chiến, con thứ hai của lão ở dưới phố để cha con lão dễ bề triển khai công việc. Cẩn thận vẫn hơn. Cứ làm xong, khi nào bà ấy về thì cũng là sự đã rồi. Lúc đó đả thông tư tưởng cho bà, yêu cầu bà giữ mồm giữ miệng là được. Cứ vẽ cái lợi to đùng ra trước mắt bà ấy là ổn.
– Bố cu Chòi đưa cái đèn cho thầy! Cầm lấy cái cuốc này, dẫy qua cỏ chỗ kia lên để bắt đầu.
– Thế không thắp hương hả thầy?
Vợ Chụm hỏi lại. Lão Choẽ sực tỉnh:
– Ử nhỉ! Phải thắp hương chứ! Suýt nữa thì quên, phải tội chết. Thế không đứa nào bê mâm cúng ra hả? Về! Về ngay! Bê đĩa nải quả và cầm chai rượu ra đây cho thầy. Nhanh nhanh lên kẻo qua giờ tốt thì dở.
Khi vợ Chụm bê mâm cúng ra, lão Choẽ cầm cái đèn giơ cao hướng dẫn cho vợ Chụm bày biện lễ. Sau đó, lão đốt hương lầm rầm khấn vái:
– Con niệm nam mô ai di đà Phật! Con lạy chín phương trời, mười phương đất! Con kính lạy Táo quân, thần công, Thổ địa! Tín chủ con là Lò Văn Choẽ ngụ tại Cổ Cò thôn, Bạch Vân xã… Hôm nay, nhằm ngày rằm tháng hai, cha con con khởi công xây dựng công trình mở mang bờ cõi và tạo thêm uy danh cho địa phủ. Vật tư con đã tập kết đủ. Trên mảnh vườn này, con sẽ xây dựng thêm mấy lâu đài âm phủ làm chỗ đi về cho các âm binh. Lòng thành, con sắm sửa hương hoa, nải quả, rượu nước hương đăng kính cẩn tấu lạy các quan ngài về hương hoa hiến hưởng phù hộ độ trì cho cha con con gặp nhiều may mắn. Cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an. Cầu cho dự án về làng để con sang nhất xã. Nam mô a di đà Phật. Nam mô a di đà Phật. Nam mô a di đà Phật. Cẩn cáo.
Lão Choẽ xuýt xoa cúi gập đầu vái ba vái.
– Ơ kìa, cái thằng này! Sao mày lại đứng ở phía ấy. Đứng đấy bằng đứng lên đầu các cụ à?
Lão Choẽ bực mình vì khi ông vừa mới “nam mô” được câu trước, câu sau anh cả Chụm đã nhảy tót lên đứng ngây ra ngay sau chỗ đặt lễ. Lão bực lắm nhưng không tiện dừng lời để nhắc Chụm. Đúng là thằng đần. Bốn chục tuổi đầu mà ngô nga ngô nghê, rõ khổ. Chỉ được cái vai u thịt bắp, bảo gì làm nấy là nhanh. May mà có con vợ nó nhanh nhảu, hoạt bát, càm cắp nhặt nhiệm, thu va thu vén cho không thì… có mà húp cháo cũng chẳng xong. Chẳng bù cho thằng Chiến vừa linh lợi tháo vát lại vừa có tài xoay xỏa. Cái việc ông làm đêm nay cũng chính từ mưu lược của nó ra cả đấy.
Trong lúc chờ đợi tàn hương, lão Choẽ bước thấp bước cao đi về phía đống gạch vừa được cha con lão đổ xuống lúc chập tối.
– Hết già nửa hương rồi đấy, vợ chồng anh chị khiêng lấy bao xi ra, trộn dần đi đợi hết hương đặt gạch là vừa.
Lão Choẽ nhìn nén hương cháy dở giục. Vợ chồng Chụm lật đật khiêng xi, xách nước, hì hục trộn vữa. Họ âm thầm làm như một cái máy. Không ai nói với ai một câu nào khiến cảnh tượng càng thêm huyền bí.
Tàn hương, lão Choẽ vái ba vái rồi hóa vàng. Xấp tiền vàng trên tay lão gặp lửa và gió bùng cháy. Trong đêm, ánh lửa hắt ba cái bóng của họ đổ dài về ba phía run rẩy, nhập nhoàng như ma trơi. Ai yếu bóng vía, nếu không biết đi qua gặp cảnh tượng này chắc phải sợ khiếp vía. Giữa đồng không mông quạnh, bên xó đồi hun hút gió có ngọn lửa ma quái bập bùng, lũ đom đóm đan nhau liệng lên liệng xuống cộng với mùi hương trầm thoang thoảng và ba bóng đen dài ngoẵng chập chờn nhảy múa thế kia ai mà chẳng sợ.
Khu lão Choẽ ở chỉ có năm nhà, mỗi nhà một góc đồi nên hầu như mọi công việc riêng tư người ta rất ít biết đến nhau nếu như không có ai thông báo. Lão Choẽ biết thế, song việc đêm nay cha con lão làm giữ bí mật vẫn cứ hơn. Lộ ra thì “xôi hỏng bỏng không” ngay. Mà kể cả kín tiếng bảo nhau cùng làm như lão nữa thì cũng để chia năm sẻ bảy à? Lúc ấy hỏi được là bao? Thế nên, thượng sách là “đèn nhà ai rạng nhà nấy”, nhất là cái khoản ăn chia.
Vuông đất trong vườn ba cha con lão đang hí húi làm đây rộng chừng gần hai chục mét vuông. Lão Choẽ dạng chân đo đếm.
– Chia làm mười ô, mỗi ô rộng hơn mét vuông. Dẫy qua loa cỏ, đào sâu xuống một tí rồi đặt gạch. Nhớ xây cho nó vuông vức tí, đừng méo xà méo xệch ra thần linh thổ địa về là chết cả lũ đấy con ạ.
– Thế sao đào hố sâu hả thầy? Vợ chụm hỏi lại.
– Khoét qua loa thôi. Đã gọi là làm giả, tiết kiệm được tí nào hay tí ấy. Vẽ vời làm gì!
Anh cả Chụm tiếng là đần thối ra nhưng được cái khỏe mạnh lại khéo tay dao xây. Vợ chồng anh phụ theo cánh thợ làng làm không hết việc. Tuy chưa đứng được thợ cả nhưng cũng bắt góc, bó vỉa, lấy hèm đâu ra đấy. Việc xây mấy cái nấm mộ này với Chụm chỉ là con muỗi.
– Cứ bó vỉa, khoét hố lấy dăm cái nhân thể rồi xây lên sau. Lấy ngày giờ, còn đâu sáng mai làm tiếp.
Lão Choẽ chỉ đạo. Hai vợ chồng Chụm hí húi đào khoét, đặt gạch trong đêm. Loáng cái, năm nấm mộ thành vách dựng vuông vức đã xong chờ đặt hài cốt. Lão Choẽ giơ cao đèn dòm:
– Được rồi! Bố cu Chòi về vác cái bao tải ra đây.
Chụm buông dao xây băm bổ bước về nhà. Lão Choẽ đốt một bó hương đưa cho vợ Chụm chia đều cắm lên các hố. Vợ Chụm răm rắp làm theo sự chỉ dẫn. Lát sau, Chụm khoác cái bao tải khá to đến bên miệng cái hố ở giữa. Vợ Chụm không hiểu bao đựng cái gì mà khi Chụm đặt nó xuống chị nghe thấy có tiếng lạo xạo. Nhìn những cây hương cháy đỏ, mùi trầm tỏa ra ngào ngạt, trong ánh đèn pin chập chà chập chờn, vợ Chụm sởn da gà sờ sợ.
– Đổ ra đi, bố cu Chòi.
Chụm tháo dây, túm mép tải dưới dốc ngược. Vợ Chụm dán mắt vào bao tải. Giời ơi! Toàn là xương người! Có cả cái gì tròn tròn như cái sọ dừa thì phải. Suýt nữa thì vợ Chụm rú lên. Chị trợn mắt thất kinh. Không biết cha con ông ấy khuân đâu về những thứ kia cơ chứ? Sao bảo đắp mộ giả mà vẫn có xương cốt thế này?
– Mẹ thằng Chòi phụ với bố nó cho nhanh – Lão Choẽ giục.
– Dạ… Con… con…
– Sao? Chị sợ à? Có cái gì mà sợ?
– Sao bố bảo làm giả thôi cơ mà?
– Thì vưỡn. Chị tưởng xương người thật à? Xương lợn đấy. Gì mà phải sợ. Tao với bố thằng Chòi phải ra mả lợn tai xanh đào lên, chọn lựa mãi mới được đấy. Giả cũng phải như thật chứ. Nhỡ đâu họ kiểm tra, đào lên thì công cốc à?
Lão Choẽ giải thích cho vợ Chụm bớt sợ. Thế nhưng, chị vẫn không dám động vào một cái xương nào mặc cho cha con lão Choẽ phân chia xương cốt về các hố.
– Được rồi! Mẹ cu Chòi lấp đất đi để bố nó xây cho xong. Khẩn trương lên rồi về nghỉ, mai làm tiếp.
Anh cả Chụm mải miết đặt gạch. Loáng một cái năm nấm mộ đã hình thành. Mỗi nấm mộ chỉ sáu, bảy chục viên gạch đặt bừa lên nên cũng nhanh. Hai giờ sáng, “công trình” của họ tạm ổn. Ba cha con họ về rửa ráy, tắt đèn đi ngủ coi như không có chuyện gì xảy ra.
Vắt tay lên trán, lão Choẽ trằn trọc mãi vẫn không chợp được mắt. Trong đầu lão toàn những con số. Mười nấm mộ, mỗi cái đôi triệu vị chi là hai chục triệu. Hơn chục mét vuống đất được ngần ấy tiền chưa kể giá đất đền bù, buôn bán gì cho bằng. Bỏ ra chút tiền mua ít vật tư để thu về ngần ấy là quá lãi. Cần thiết mình sẽ đắp thêm một số nấm đất nữa là ổn. Mộ của họ nhà tôi, tôi quy tập về cho gọn để dễ thăm nom, khấn vái ấy mà.
Càng nghĩ lão càng thương cho mấy kẻ cò con. Ai lại tính chuyện trồng chuối, gơ dây để hòng mong dự án bồi thường như đài báo đã đưa tin cơ chứ? Bé tí. Ngắn tí. Phải nhìn xa trông rộng như lão đây này mới phất được. Cả cái xóm ngũ gia trang này chỉ mình lão nghĩ được việc này thôi. Bốn nhà kia còn lâu mới biết mà làm nhé. Dự án du lịch sinh thái công viên Hương Sen cơ mà. Thời đại thông tin, tin tức là vàng mà cứ chân chỉ hạt bột như họ thì bao giờ mới ngóc đầu lên được.
Lão nghĩ, kể có vốn làm cái quán, dựng gian nhà tạm bợ gọi là có, khi bồi thường giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ thắng. Nhưng… thôi! Làm như lão là tuyệt chiêu, thượng sách rồi! Đã thấy đài báo nêu kiểu này bao giờ đâu. Chỉ có Choẽ mới nghĩ ra thôi đấy nhé. Cứ thế, lão mỉm cười một mình trong đêm. Tiếng con thạch sùng kêu chậc chậc như cũng vào hùa với lão.
Mải nghĩ, lão chợp mắt lúc nào không biết. Bỗng trước mặt lão bao nhiêu là trư bát giới, lũ quỷ mình lợn trợn mắt, nhe nanh lao vào lão. Tai con nào con nấy xanh lè. Mắt trắng dã. Phía đằng kia, cha mẹ lão, rồi ông bà nội lão ở đâu cũng hiện về nhìn lão chằm chằm. Lão sợ rúm ró co cẳng chạy. Lũ quỷ lợn chồm lên, ngoác miệng ra đớp lão. Tưởng cha, ông lão che chở nhưng không ai có biểu hiện gì. Họ vẫn đứng im không nhúc nhích. Con quỷ lợn to nhất chồm lên, lao hai chiếc răng nanh cắm vào bụng lão. Máu túa ra đầm đìa. Lão chới với rơi xuống vực thẳm. “Cứu! Cứu!”. Miệng lão ú ớ kêu lên.
– Thầy! Thầy làm sao thế?
Anh cả Chụm nghe tiếng kêu chạy lại lay mạnh lão Choẽ. Mãi sau, lão bừng tỉnh. Mở mắt ra, lão Choẽ vẫn không biết rằng mình đang ở trong ngôi nhà của mình. Lão dụi mắt:
– Thầy ngủ mê. Sợ quá!
– Chắc làm vất, thức khuya mệt quá đấy thầy ạ.
Vợ Chụm lên tiếng. Chị cũng dậy và đến bên tự lúc nào.
2
Mấy hôm nay, làng Cổ Cò rậm rịch khác thường. Khắp nơi xôn xao bàn tán chuyện dự án. Túm năm, tụm ba, thậm chí chỉ có hai người người ta cũng “dự án”. Mở đầu câu chuyện là “dự án”. Đám cưới, đám ma, đầy cữ, tán gẫu ngoài quán… quanh quẩn cuối cùng vẫn lại quay về chuyện “dự án”. “Làng mình đổi đời rồi các bà ơi! Chẳng phải chân lấm tay bùn nữa nhé. Dự án này mà về thì cứ gọi là thành giai cấp công nhân hết”. “Công nhân thế nào, trí thức ấy chứ lị!”. “Trí thức thế nào được. Trí thức người ta làm ở bàn giấy, dự án này là dự án du lịch sinh thái, giỏi lắm cũng chỉ là công nhân hoặc hướng dẫn viên du lịch thôi nhé. Bà đừng có mà mơ!”. “Thì được thế cũng là quá tốt rồi. Còn hơn là suốt đời phải chổng mông, chổng tĩ ngoài đồng, bán mặt cho đất bán lưng chơ giời nhưng có đủ ăn đâu?”… Viễn cảnh được vẽ ra rất đẹp trước mắt mọi người. Ai cũng thấy lâng lâng cứ như mình đang là công nhân hay trí thức rồi vậy.
Nhưng có lẽ xôm nhất, nhiều ý kiến bàn cãi nhất đó là chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Người ta quy tất cả mọi thứ hiện hữu trên đất ra tiền. Động đến chỗ nào cũng tiền. Ai cũng tiếc rẻ giá như biết cái dự án này sớm tí nữa thì hay quá. Gì thì gì cũng có thể trồng thêm dăm bụi chuối, gơ lấy bãi rau lang hay xây thêm bức tường rào nữa thì có phải bây giờ tha hồ tiền đền bù rồi không? Mà sao ông xã lại triển khai nhanh thế không biết. Vừa họp dân tuần trước, tuần sau đã kiểm kê tài sản, hoa màu khu đất dự án rồi. Tiếc nhưng mà mừng. Mừng vì cái làng Cổ Cò khỉ ho cò cáy này cuối cùng thì dự án cũng đã tới. Thiên hạ người ta dự án này nọ ầm ầm mà làng mình thì cứ lạnh băng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà sao làng mình vẫn âm thầm mãi thế không biết? Chẳng có bên ngoài đầu tư vào thì bao giờ mới đổi đời được? Có người đã chê trách ông xã là kém năng động, ông huyện là ăn ở không công bằng, toàn đầu tư cho xã nọ về xã kia mà cái xã Bạch Vân này thì lại bỏ bẵng. Dân chúng tôi thiệt thòi quá đi mất. Giờ thì thỏa mãn rồi nhé. Sắp đổi đời rồi nhé!
Mặc cho thiên hạ xi xao, lão Choẽ cứ chắp tay sau đít lảng vảng ngó nghiêng hết đám nọ đến chỗ kia. Lão mở cờ trong bụng. Đường đi nước bước của lão rõ là đâu ra đấy. Thế mới gọi là đi tắt, đón đầu chứ. Phải công nhận thằng hai nhà lão nhạy bén đưa lão cái thông tin quý hơn vàng. Người ta vẫn bảo anh là đứa ma lanh nhất. “Chiến ma lanh”, “Chiến lỏi”, “Chiến sành điệu”… đủ các biệt danh gán cho Chiến. Kệ, ai hiểu thế nào thì hiểu song cái vụ này thì cha con ông thắng to rồi.
Hơn chục ngôi mộ giả được ba cha con nhà lão làm đúng có một ngày một đêm thì xong. Làm mới như cũ. Giỏi là ở chỗ ấy. Làng xóm không ai hay biết gì. Đến khi vợ lão đi chơi về thấy lù lù một dãy nấm mộ ở góc vườn bà mới giật mình tá hỏa lên. Đầu tiên thì bà sợ. Sau rồi là bà cáu. Chuyện tày đình thế này mà bố con ông ấy không cho bà biết thì coi thường bà quá rồi còn gì. Bà định lu loa lên song lão Choẽ lôi bà vào buồng nói rin rít qua kẽ răng: “Bà yên yên cho tôi nhờ. Tiền tỷ cả đấy. Bà đi vắng, nghe tin làng mình sắp có dự án nên bố con tôi đã gấp rút bí mật đắp, xây mấy cái mộ giả để mai kia ăn tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Bà nghe chửa! Lúc đó bà chỉ có đếm thôi!”. “Thật thế hả ông?”, bà Choẽ vồ vập hỏi lại. “Chứ lại không!”, lão Choẽ ỡm ờ tự đắc.
Từ hôm đó trở đi, bà Choẽ úp úp mở mở với dân làng về chuyện quy tập mộ các cụ. Mới đó mà giờ đã gần năm. Mộ xây thì rêu bám mốc thếch, nấm đất thì cỏ mọc xanh ri. Tỏ mắt, tinh ý lắm cũng khó mà phát hiện ra mộ giả vừa mới được xây, đắp. Mọi sự đúng như dự đoán của lão Choẽ.
3
Lão Choẽ đang chăm chú theo dõi cuốn băng phim chưởng thì chiếc điện thoại “Nó kìa” đời mới chất của lão nhảy cỡn lên, run bần bật, rồi phát ra tiếng nhạc eo éo. Lão lơ đễnh cầm máy nghe. Mặt lão tái dần. Miệng lão lắp bắp: “Cái gì? Sao? Thằng Chiến làm sao?”. Đầu kia chỉ thấy tiếng kêu khóc, rồi không có tín hiệu nữa. Mất sóng? Hay là con dâu lão cúp máy? Lão bấm gọi lại cũng chỉ thấy những tiếng tút tút kéo dài. Lão trân trân nhìn vào chiếc điện thoại rồi bực mình ném quạch vào xó nhà.
– Chuyện gì thế ông?
Bà Choẽ hốt hoảng hỏi.
– Thằng Chiến…
– Thằng Chiến làm sao?
– Nó bị… bị vỡ hụi, người ta đang… đang kê biên nhà cửa tài sản rồi!
– Trời!
Bà Choẽ kêu lên một tiếng rồi gục xuống nức nở. Lão Choẽ trợn mắt vô hồn. Mãi sau, lão gọi con dâu:
– Mẹ cu Chòi đâu, tìm bố nó về, lên tỉnh xem em nó thế nào? Nhanh lên!
Nhà lão Choẽ náo loạn như hỏa hoạn. Anh cả Chụm vội vã trèo lên con At-ti-la mới coóng vừa tậu về vù ga ra cổng. Lão Choẽ giục với theo:
– Nhanh lên! Có gì điện ngay về cho bố nhá!
Bà Choẽ ơ hời rền rĩ. Lão Choẽ gục mặt ủ rũ. Cô con dâu chạy lăng xăng trên nhà dưới bếp chẳng việc gì ra việc gì.
Chụm đi chưa đầy mươi phút thì có mấy người phóng xe máy đến:
– Ông Choẽ đâu rồi! Anh Chụm bị tai nạn xe máy ông bà mau ra đưa anh ấy đi viện.
– Sao? Nhà em làm sao? Bị tai nạn xe máy hả? Vợ Chụm hỏi dồn.
– Giời ơi! Khổ cho nhà tôi rồi! Ông chả giục nó đi nhanh nữa đi – Bà Choẽ gào khóc.
– Im đi! Xem cụ thể thế nào đã chứ! Lão Choẽ quát hai mẹ con.
Người đến báo tin cho hay do phóng nhanh, lại chưa quen xe nên Chụm đã lao vào khu mộ nhà mình. Đám mộ này sau khi nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng xong, cha con lão chỉ đào dỡ qua loa lấy lệ nên gạch đá vứt ngổn ngang, hố rãnh lồi lõm. Chụm mà ngã vào đấy thì nguy hiểm quá. Nó có quen đi xe tay ga đâu. Người đã đần thối ra còn xe với máy. Có tiền, lão Choẽ mua sắm đủ thứ, cả chiếc xe máy Atila này. Bây giờ thì trắng tay.
Bà Choẽ ơ hời, rên rỉ trong tiếng nấc:
– Đã bảo rồi mà bố con ông có chịu nghe tôi đâu. Giờ thì khốn nhé. Mấy trăm triệu của tôi… giời ơi!
Lão Choẽ ngơ ngác như người mất hồn. Tiền bồi thường được hơn trăm triệu, huy động của người quen hơn trăm triệu nữa, bà gửi tất cho thằng Chiến chơi hụi họ. Nó mà vỡ thì trắng tay. Vợ Chụm mếu máo, quần ống thấp, ống cao te tái đi gọi người ra chỗ chồng.
Cũng may, Chụm chỉ bị chấn thương nhẹ nhưng chiếc xe thì hỏng nặng. Dân làng Cổ Cò hay tin đến hỏi thăm. Mỗi người mỗi câu chia sẻ. Nào là “của đi thay người, phúc đức cho nhà bà lắm đấy”. Nào là “Phải năm xung tháng hạn có tránh cũng chẳng được”… Duy cái việc vỡ hụi họ mất nhà nợ hơn tỷ bạc của thằng Chiến là không ai hay biết gì y như cái vụ làm mộ giả của cha con ông vậy. Lão Choẽ dặn cả nhà giữ kín chuyện này để liệu dần.
Do không đội mũ xe máy đầu Chụm đập vào đống gạch nên vết thương sọ não của anh khá nặng. Ra viện rồi mà Chụm vẫn lơ ngơ. Vốn đã chậm chạp, khù khờ giờ thêm vết thương đó nữa nên anh càng như người ngớ ngẩn. Suốt ngày, Chụm quanh quẩn bên khu đất mộ giả. Lúc thì nhảy xuống hố, lúc lại lao lên cầm những viên gạch to tổ bố ném vào không trung rồi cười sằng sặc. Dân làng chép miệng cảm thông: “Tại nhà ông ấy không làm lễ hàn thổ nên thần Thổ địa cùng các cụ nhà ông ấy về quở trách và phạt tội đấy”.
Lão Choẽ gầy xọp đi trông thấy. Lão chán cả chuyện ăn uống. Đêm rất khó ngủ. Cứ chợp mắt là lão lại thấy một lũ ma lợn trắng toát, nanh dài ngoẵng, mõm đen sì ịt ịt kéo đến. Bao nhiêu tài sản còn lại trong nhà bà Choẽ bán hết để chữa bệnh cho Chụm, trả bớt nợ cho Chiến và đi cầu cúng giải hạn. Của thiên thì lại trả cho địa, miễn sao nhà bà ấm cúng hạnh phúc yên hàn như xưa là được.
Ngoài kia dự án vẫn rầm rộ, hối hả thi công. Làng Cổ Cò vẫn đang đổi mới từng ngày.
Đ.X.T
Người gửi / điện thoại