THAM LUẬN CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ THỌ TẠI DIỄN ĐÀN LẦN THỨ XII

THÚC ĐẨY THỰC HIỆN LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA ĐỂ DOANH NGHIỆP BỨT PHÁ, PHÁT TRIỂN

(Tham luận của Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ tại Diễn đàn Hợp tác- Liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII năm 2019 do ông Phạm Gia Lý, Phó chủ tịch HHDN tỉnh, Chủ tịch HH DNNVV tỉnh trình bày)

1bc7046f2a22a5b74023b

1ebfbfdc5621d9b43c20c

  • Kính thưa các đồng chí đại biểu đại diện các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp Trung ương
  • Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, các huyện thành thị của tỉnh Phú Thọ.
  • Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu các Hiệp hội/hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
  • Thưa đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh và tất cả đại biểu tham dự Diễn đàn.

Rất vinh dự cho Hiệp hội DNNVV Phú Thọ và các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp/doanh nhân đất Tổ Hùng Vương được đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác- liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII năm 2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo, đại biểu Hội/ Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về thăm đất Tổ Hùng Vương và tham sự Diễn đàn này để bàn thảo các giải pháp mang tính cụ thể với hy vọng thúc đẩy sự bứt phá, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta.

Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và các hội/hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân Phú Thọ, tôi xin được gửi đến quý vị đại biểu lời chào trân trọng và lời chúc  sức khỏe, hạnh phúc, chúc Diễn đàn Hợp tác- Liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII năm 2019 được tổ chức tại Phú Thọ thành công hơn cả mong đợi, để chúng ta cùng góp tiếng nói thống nhất về tình hình thực tiễn và những giải pháp cần thiết để đưa Luật hỗ trợ DNNVV do Quốc hội ban hành sớm đi vào đời sống.

-Kính thưa các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương và lãnh đạo tỉnh!

-Thưa toàn thể quý vị đại biểu!

Ngày 12/6/2017, Kỳ họp thứ Ba QH khóa XIV thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tiếp đó, ngày 15/6/2018, Chính phủ có Nghị quyết số 10-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Ngày đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Từ khi có các văn bản pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ; môi trường đầu tư, kinh doanh ở nhiều địa phương trong nước và ở tỉnh Phú Thọ đã có những cải thiện đáng kể. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 được cải thiện 13 bậc so với 2016; chỉ số hiệu quả logistics tăng 25 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc... Trong xu thế đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Phú Thọ năm 2018 tăng 3 bậc so với năm 2017, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

  Theo đánh giá của Chính phủ tại Nghị quyết số 02: Tuy được hơn 50% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh đã có bước thông thoáng, thuận lợi đáng kể nhưng xét trên bình diện quốc tế, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta mới ở mức trung bình khá với thứ tự 69/190 quốc gia về môi trường kinh doanh, 77/140 quốc gia về năng lực cạnh tranh; vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, trong đó đáng chú ý là chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chậm được cập nhật, theo dõi và tập trung cải thiện. Việc thực hiện đổi mới phương thức quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro ở một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt; mới tập trung vào tháo gỡ những chỉ số còn vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc cơ quan chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Một số hành động cải cách chưa thực chất, có thể nói là còn hình thức. Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Ở không ít nơi, doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.

  • Kính thưa các đại biểu tham dự Diễn đàn!

   Năm 2019, tỉnh Phú Thọ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,8%; trong đó khu vực công nghiệp tăng trưởng 11,4% - dịch vụ tăng 7,1%. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1,95 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018. Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với dự toán. Trong thành tựu ấy của tỉnh có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp. Theo nhận định của UBND tỉnh: Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; tỉnh có nỗ lực trong công tác quản lý và phát triển doanh nghiệp; sắp sếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Trong năm đã có 800 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 8.100 doanh nghiệp, trong đó có 76% số doanh nghiệp đang hoạy động. Thời gian thực hiện các thủ tục thành lập rút ngắn còn 02 ngày; thời gian thẩm định chấp thuận dự án đầu tư được rút ngắn 17 ngày so với quy định. Tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 135 dự án đầu tư với số vốn đăng ký tương đương 6000 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án đầu tư nước ngoài. Đó là kết quả đáng phấn khởi của tỉnh, đồng thời là  những tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp chúng ta.

Như mọi người đều biết, Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận của cộng đồng doanh nghiệp. Quy mô không lớn, tiềm lực không nhiều; các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ như là lực lượng dân quân du kích bên cạnh bộ đội chủ lực; nhưng Doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là lực lượng khai thác hiệu quả các tiềm năng về nguồn lực nội địa như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên lao động, có nhiều đóng góp cho ngân sách và công tác an sinh xã hội, trực tiếp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương... nhưng do quy mô nhỏ, tiềm lực mỏng nên DNNVV cần được hỗ trợ về một số lĩnh vực mà Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ và các Hội/Hiệp hội bước đầu làm tốt vai trò đại diện cho cộng đồng DNNVV để tập hợp, đoàn kết, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp; là cầu nối giữa doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền và các ngành, các địa phương trong giám định và phản biện xã hội; tập hợp kiến nghị, đề xuất, phản ánh; tư vấn, động viên, khích lệ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; cảnh báo các xu hướng thị trường, định hướng các doanh nghiệp nắm bắt cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ DNNVV; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chế độ chính sách mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; động viên doanh nghiệp, doanh nhân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh doanh, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới và các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội để phát triển doanh nghiệp trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ...

Hôm nay, tại Diễn đàn này, trên tinh thần thúc đẩy thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV mà QH đã ban hành hơn 2 năm nay, Hiệp hội DNNVV xin nêu thực trạng và có một vài đề xuất liên quan tới các nội dung hỗ trợ được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV như sau:

-Thứ nhất, về tổ chức và hoạt động của Hiệp hội DNNVV: Hiện nay, từ Trung ương đến các tỉnh, thành đang nỗ lực khẳng định vai trò, vị thế của Hiệp hội và mối quan hệ tương tác giữa Hiệp hội với các thành viên; công tác phát triển hội viên và trách nhiệm của hội viên với Hiệp hội. Đồng thời Hiệp hội cũng nhìn nhận rõ những khó khăn mà DN phải đối mặt - đó là những vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV. Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN, có những giải pháp ở tầm vĩ mô và cũng cần phải có những giải pháp vi mô, cụ thể. Chẳng hạn, đối với Quốc hội, các Hội/Hiệp hội chờ đợi việc ban hành Luật Tổ chức và quản lý hội (nói tắt là Luật Hội) để tạo điều kiện cho các tổ chức hội phát triển và qua đó tăng cường sự quản lý của Nhà nước; mong muốn sớm điều chỉnh thuế và phí một cách phù hợp, nhằm tiết giảm chi phi cho DNNVV, nhất là thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí BHXH và phí công đoàn; việc thống nhất chính sách thuế để vừa đảm bảo thu ngân sách và không tạo ra sự cạnh tranh bất hợp lý... Mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản dưới Luật, sớm triển khai Quỹ Hỗ trợ DNNVV... để có thể thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; đồng thời phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để Hiệp hội DNNVV và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; trong đó cho phép Hiệp hội DNNVV Việt Nam và hiệp hội tỉnh thành lập Quỹ hoặc Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ DNNVV, nhằm mở rộng quy mô hoạt động của Quỹ. Đối với UBND cấp tỉnh, đề nghị quan tâm hơn nữa các hiệp hội/ hội DNNVV địa phương; nhất là xem xét tạo điều kiện về địa điểm làm việc và hàng năm có một khoản ngân sách cho Hiệp hội/Hội DNNVV hoạt động.

Rất gần Phú Thọ là tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội cũng đã bố trí kinh phí hoạt động của hiệp hội; tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng trụ sở Hiệp hội. Thành phố Hà Nội bố trí kinh phí hỗ trợ DN để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị cho DNNVV; tổ chức hội thảo, chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, kinh phí tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV...

Cũng rất cần thiết điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, dành một phần đất để khuyến khích các DNNVV đầu tư và các hộ sản xuất kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đây cũng là biện pháp cụ thể khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.

- Thứ hai, về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh: Các DN trong hiệp hội đều là DN nhỏ và siêu nhỏ, chưa có quá trình tích lũy vốn. Vốn cho sản xuất kinh doanh chủ yếu vay các ngân hàng thương mại; huy động từ thành viên và vốn xã hội chưa được nhiều; tính pháp lý về đất, bất động sản, tài sản của DN chưa đầy đủ để làm bảo đảm vay vốn nên chưa thể chuyển hóa từ tài sản sang vốn. Do vậy đề nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng được tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất- kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN.

Trong mấy năm qua, chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp đã cải thiện việc đáp ứng một phần nhu cầu vốn của các DN, cho nên chương trình này cần tiếp tục duy trì và hướng đến tính hiệu quả. Các tổ chức tín dụng cần thúc đẩy thực hiện các giải pháp để cho vay đối với các DN, nhất là các DN đầu tư công nghệ cao, đầu tư vào ngành nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và chế biến nông - lâm sản, làm hàng xuất khẩu...

Liên quan đến vấn đề vốn và đất đai của doanh nghiệp, chúng tôi cũng xin phản ánh: Một giám đốc doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở thành phố Việt Trì cho biết: Trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2018 giá thuê đất tăng hơn 13 lần, từ 300 triệu lên 3,7 tỷ đồng. Tiền thuê đất tăng cao được tính vào giá thành nên làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

- Thứ ba, về mặt bằng cho sản xuất kinh doanh: Mặc dù tỉnh và các huyện đã có các cụm, các khu công nghiệp nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể thuê mặt bằng tại đây bởi sự không phù hợp về địa bàn hoạt động, lĩnh vực kinh doanh. Các DN cần mở rộng sản xuất, các DN khởi nghiệp rất cần mặt bằng, nên đề nghị các địa phương cần có quy hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất để phát triển DN - mà thực chất là phát triển công thương nghiệp, dịch vụ - góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế các địa phương theo hướng tích cực. Phần đất mà DNNVV thuê nên được hỗ trợ giá thuê theo chính sách hiện hành. Cùng với thuê đất là tiếp cận việc cung cấp điện, nước và các dịch vụ xã hội cần được thuận lợi hơn. Có doanh nghiệp ngay bên quốc lộ 32 C nhưng để được đấu nối mạng lưới giao thông cũng không phải là việc dễ dàng! Hiện nay, để điều chỉnh một quan hệ pháp luật, các điều khoản tại một số văn bản pháp luật - trong đó có Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng .v.v. - chưa thống nhất, thậm chí có mâu thuẫn, xung đột, nên có dự án đầu tư bất động sản 8 năm theo quy trình với 73 thủ tục hành chính vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án - đó là chưa kể tới gian nan trong việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo hệ lụy mất cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp!

Vấn đề mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nêu rõ: UBND cấp tỉnh, thành phố  căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương bố trí để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho DNNVV; xem xét, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV; thống nhất, kiện toàn đầu mối thực hiện công tác Hỗ trợ DNNVV...

- Thứ tư, về khả năng phát triển thị trường: Ngoài những doanh nghiệp đặc thù, trong xu thế chung, đề nghị tỉnh xác định những sản phẩm chủ lực, là thế mạnh của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho DNNVV tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh để được hưởng các ưu đãi theo Điều 13 Luật Hỗ trợ DNNVV. Rất cần thiết có vai trò của nhà nước và các cơ quan quản lý để tạo mối liên kết giữa các ngành, nghề, liên kết vùng để các DN hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, huy động đầu tư tại chỗ, cũng cần hỗ trợ các DN trong phát triển thị trường, nhất là DNNVV đã đầu tư, đã hoạt động; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm; công tác thông tin, tuyên truyền.

-Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị DN: Đề nghị nâng cao chất lượng đào tạo nghề để người lao động khi được nhận vào DN đủ năng lực làm việc, không phải đào tạo lại; đào tạo cần sát với nhu cầu của DN, không đào tạo theo chỉ tiêu để giải ngân vốn ngân sách. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức quản trị doanh nghiệp mà DNNVV được miễn hoặc giảm chi phí nên mở tại địa phương để cán bộ quản lý DNNVV có điều kiện tham gia, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để Hiệp hội DNNVV, DN tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Các phiên giao dịch, sản giao dịch việc làm, hội chợ lao động cần được tổ chức thường xuyên và hiệu quả hơn để xử lý nhu cầu "người cần việc" và "việc cần người"; kết nối thị trường lao động với nhu cầu của DN.

-Thứ sáu, để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; đặc biệt là các thủ tục, trình tự thẩm định các bước về các dự án đầu tư, xây dựng, đất đai... vì hiện nay vẫn phải qua quá nhiều khâu, mất quá nhiều thời gian. từ đó mất nhiều cơ hội bỏ vốn vào đầu tư của các nhà đầu tư; đối xử công bằng giữa DNNVV với các DN, nhà đầu tư lớn. Cơ quan nhà nước phải thực chất chung tay cùng DN, vì DN để Luật Hỗ trợ DNNVV không chỉ mang lại niềm tin ý chí cho DN mà phải đi vào cuộc sống, tạo thành sức mạnh của DN, sức mạnh của nền kinh tế. Chúng tôi rất phấn khởi trước việc Chính phủ đã khai trương cổng thông tin điện tử Quốc gia, và cũng hy vọng đây sẽ là một bước để thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

-Thứ bảy, về công tác thanh tra, kiểm tra: Mặc dù đã được chấn chỉnh một bước để tránh sự trùng chéo, nhưng hiện nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán vẫn chưa hết sự trùng lặp và thiếu thống nhất. Một số DN vẫn cho rằng thanh tra kiểm tra quá nhiều, thời gian kéo dài. Vẫn biết rằng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán là hoạt động để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, trật tự, kỷ cương xã hội được giữ vững - đó là tính mục đích. Trừ những trường hợp kiểm tra, thanh tra, điều tra khi có dấu hiệu vi phạm; còn lại hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm sát thường xuyên thì các cơ quan nội chính nên thống nhất chương trình, kế hoạch thực hiện kiểm tra hàng năm; đừng để tình trạng cùng một doanh nghiệp, cùng một nội dung mà có quá nhiều cơ quan kiểm tra, thanh tra. Thời gian thanh tra, kiểm tra cũng cần được ấn định cụ thể và nên rút ngắn, không nên cứ đủng đỉnh, dây dưa, kéo dài, mất thời gian và cả tiền bạc của DN. Kết quả thanh tra, kiểm tra của một ngành phải là đáp án chung cho các cơ quan chuyên môn - có nghĩa là phải nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; cơ quan tranh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm pháp lý về những công bố kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của mình. Tại hội nghị lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh chuẩn bị cho Diễn đàn này, chúng tôi nhận được phản ánh của một doanh nghiệp đang sử dụng 900 lao động về tình trạng kiểm tra thực hiện BHXH quá nhiêu khê, mất quá nhiều thời gian của DN mặc dù Công ty thực hiện đầy đủ và kịp thời các nghĩa vụ về BHXH!

- Thứ tám, về việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cần sớm được triển khai thực hiện theo các Điều 16 đến Điều 19 Luật Hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên hiện nay, theo tìm hiểu của Hiệp hội DNNVV, việc chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh cá thể sang mô hình DN trong tỉnh chưa nhiều. Quá trình chuyển đổi này nếu không tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả tốt hơn cho hộ sản xuất thì có nghĩa là cơ chế, chính sách, mặt nào đó chưa phù hợp.

  Theo chúng tôi, một trong những lý do ấy là chính sách thuế. Bây giờ đang có mấy mức thuế cho người kinh doanh: Thuế VAT thuế suất 10%, thuế bán hàng trực tiếp thuế suất 5%, hộ kinh doanh có khi chỉ nộp thuế môn bài, nộp thuế theo mức khoán rất thấp, hoặc chỉ nộp lệ phí chợ, thậm chí không nộp thuế. Nếu tính thuế vào giá thành sản phẩm, dịch vụ thì lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về người trốn thuế hoặc nộp thuế ít. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn rất nhiều hộ kinh doanh cá thể. Cần hỗ trợ đối tượng kinh doanh thuộc mô hình doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ, bởi đối tượng này có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội; đồng thời bị chia sẻ lợi nhuận nhiều.

 Luật hỗ trợ DNNVV quy định khá cụ thể các hình thức hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Quá trình đổi mới, sáng tạo ở DN cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương và có sự tham gia của Hiệp hội DNNVV.

- Kính thưa các đồng chí đại biểu!

 Trên đây chúng tôi xin trao đổi, đề xuất một số tình hình thực tiễn tại địa phương và giải pháp để thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV một cách thực chất và hiệu quả. Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu đã lắng nghe và đồng cảm.

Sắp kết thúc năm 2019, chuẩn bị đón năm mới 2020, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân cùng tất cả đại biểu có mặt tại Diễn đàn một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt.

Chúc Diễn đàn Hợp tác - Liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII tại Phú Thọ thành công hơn cả mong đợi.

Xin cảm ơn.

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542