TẢN MẠN VỀ TẾT TRỒNG CÂY

“Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ là việc cần duy trì thường xuyên nhưng tổ chức sao cho hiệu quả, tránh hình thức còn là việc đáng quan tâm. Trước Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020, Nhà văn Nguyễn Đức Sơn – nguyên Giám đốc Công ty lâm nghiệp Tam Sơn- thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam – có đôi suy nghĩ tản mạn về việc này…

Vào ngày 28 tháng 11 năm 1959, hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tết trồng cây” Người kêu gọi: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t­ươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”.

img_2636

img20200110101959

Từ đó đến nay, phong trào trồng cây, trồng rừng ở khắp nơi, khắp các tầng lớp xã hội trong toàn quốc đều tích cực, rầm rộ và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Riêng hành động cứ đến tết là mọi người đều tham gia ngày hội trồng cây đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Tục lệ trồng cây lưu niệm đã có từ xa xưa. Theo Đại Việt sử ký Toàn thư thì ở Hà Nội ngày nay có một con phố mang tên con đường khi xưa nằm ở phía Bắc thành Thăng Long, con đường này nối Thành Thăng Long với  bến Đông Bộ Đầu trên Sông Hồng. Thời Lý có quy định các quan ở triều đình mỗi người phải tự tay trồng một cây hòe dọc hai bên con đường này nên con đường có tên là “Hòe Nhai” (Tiếng Hán “Hòe Nhai” có nghĩa là con đường Hòe). Tại sao lại trồng cây hòe bởi vì cây hòe biểu tượng cho sự đỗ đạt, phồn vinh, trường cửu vốn thường được trồng ở các sân chầu trong cung vua.

Ngoài đường Hòe Nhai, Hà Nội còn có đường Liễu Giai, đường Núi Trúc chứng tỏ ngay từ thời xa xưa, tục lệ trồng cây đã được các quan lại phong kiến rất chú ý.

Thời nhà Nguyễn có lệ tục trồng cây tại Đàn Nam Giao đã để lại những cánh rừng thông cổ thụ tuyệt đẹp đến tận ngày nay. Từ đời Tự Đức đến đời Hàm Nghi, triều đình nhà Nguyễn quy định mỗi vị quan vào triều diện kiến nhà vua để được thăng chức nâng bậc, ngay sau đó phải lên Đàn Nam Giao tự tay trồng một cây thông với sự chứng kiến của phái đoàn đặc biệt gồm các thành viên đại diện bộ Lễ và bộ Công. Nếu không may cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế.

Việc trồng cây lưu niệm là một tục lệ tốt nhưng đến gần đây, không biết có phải do cơ chế thị trường tác động nó làm bóp méo nhiều phong tục đẹp của dân tộc hay không mà ý nghĩa của việc trồng cây đã có nhiều thay đổi. Người ta quan tâm đến việc những người lãnh đạo có chức sắc đến thăm đơn vị thì trồng cây lưu niệm để đánh dấu một cái mốc có tính lịch sử đối với đơn vị đó. Nhiều khi chỉ là hình thức nên sau khi các vị chức sắc đi rồi thì cây cũng chết, vì có ai chú ý đến việc chăm sóc cây nữa đâu. Thế rồi, để làm yên lòng các vị chức sắc trồng cây đảm bảo cho việc cây không chết, người ta lại tổ chức cho các vị trồng những cây rất to có tuổi đời rất cao hàm ý “cây cao bóng cả” rất chi là tốn kém, mà đã tốn kém thế thì sẽ không thể để cây chết rồi.

Nhân việc này, ta hãy thử theo dõi lại xem những hình ảnh Bác Hồ trồng cây ở nơi này, nơi kia xem sao, ta thấy Bác chỉ trồng những cây nhỏ, cây non chứ Bác có trồng cây to bao giờ đâu. Mà trồng cây thì phải trồng cây non để nó phát triển thì mới có ý nghĩa chứ cây già đến tuổi khai thác nguồn lợi rồi thì trồng mà để làm gì nữa. Tất cả những việc trồng cây kiểu này chung quy cũng chỉ là việc cấp dưới lấy lòng cấp trên mà thôi chứ nó chẳng có ý nghĩa gì.

Lại có một việc “ngược đời” nữa mà tôi vừa chứng kiến, ấy là tôi được lãnh đạo một Công ty Lâm nghiệp mà trước đây tôi có một thời làm giám đốc ở đấy 15 năm mời về ăn tết. Thời ấy, hưởng ứng “Tết trồng cây” hàng năm, ngoài việc tổ chức thành một ngày hội cả Lâm trường lên trồng cây trên các lô rừng hoặc tài trợ để trồng cây cho các sân trường học. Lâm trường tôi còn vận động cán bộ có chức sắc của Lâm trường tham gia trồng cây cảnh quan trong khuôn viên công sở nên tới nay khu vực Trụ sở Công ty có nhiều cây xanh và cây cảnh đóng góp cho sự hài hòa, thân thiện với môi trường. Bỗng tôi thấy một trong hai cây hoa hải đường bị đánh lên bọc gói kỹ lưỡng cái bầu cây. Hỏi ra thì được biết có một ông là cán bộ chức sắc cấp trên yêu cầu đánh lên mang về trồng trên sân nhà ông và lại còn yêu cầu phải làm trước tết Nguyên đán. Khi nghe thủng câu chuyện, không chỉ tôi mà một vài vị khách nữa phần lớn là các cựu giám đốc Lâm trường hoặc cán bộ đương chức lãnh đạo các xã và các cơ quan xung quanh huyện không khỏi ngỡ ngàng về hành động lạ lùng này của vị chức sắc cấp trên nọ. Không thể có chuyện ông giám đốc cấp dưới muốn biếu cấp trên bởi ông giám đốc Công ty thừa hiểu rằng cái cây ấy tuy về giá trị vật chất không nhiều, ra chợ cây mua chắc cũng chỉ tầm dăm triệu tiền Việt nhưng nó đã được trồng từ mươi, mười lăm năm trước, thậm chí nó còn có lí lịch mang tên của một ai đó thuộc thế hệ tiền bối của Công ty trồng. Rõ ràng là ông chức sắc cấp trên kia đã dùng uy lực để yêu cấp dưới biếu tặng mình một cái cây trồng ở vị trí trang trọng trong khuôn viên công sở. Thay vì trồng cây ở những nơi công cộng thì ông ta lại mang cây ở nơi công cộng về trồng trên sân nhà mình!

img20200110102805

img20200110102014

Ngoài việc tổ chức thành ngày hội toàn dân tham gia trồng cây vào dịp tết, vẫn cần có những vườn cây lưu niệm cho những nhân vật quan trọng trồng làm kỷ niệm. Nhưng thiết nghĩ những cây lưu niệm này chỉ cần chọn giống cây quý chứ không cần phải trồng những cây to, những cây cổ thụ. Và khi đã trồng rồi thì điều tối quan trọng hơn nữa là phải chú ý chăm sóc, bảo vệ để cái cây lưu niệm ấy sinh trưởng tốt xanh. Cây nhỏ, cây non theo thời gian năm tháng rồi cũng sẽ trở thành cây cổ thụ, khi ấy nó mới mang đầy đủ ý nghĩa của việc trồng cây lưu niệm.

Nhà văn Nguyễn Đức Sơn

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
04-12-2022 11:20:24 0913283204

Xem được bài báo này, tôi cảm thấy rất buồn về lòng tham vô đáy của một cán bộ đã có hành vi và ý thức quá kém này. Nếu là xảy ra ở văn phòng CTy LN Tam Sơn thì đây là một đơn vị thuộc TCT Giấy Việt Nam, Theo tôi được biết sự việc này không chỉ xảy ra ở CT LN Tam Sơn mà còn xảy ra cả ở CT LN Sông Thao mà trước đây do ông Trần Anh Tôn nguyên GĐ CT LN Sông Thao đã phàn nàn về vấn đề này. Tôi thiết nghĩ bài báo này Đề nghị với tạp chí HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ PHÚ THỌ NÊN chuyển bài viết này cho TCT Giấy Việt Nam để TCT điều tra tìm hiểu, nếu đúng yêu cầu TCT xem xét sử lý và chấn chỉnh, không thể để một cán bộ quản lý tham lam vơ vét không chừa một thứ gì để đem về làm của riêng của mình như thế. Cứ để tình trạng này xảy a thì mang tiếng cho TCT quá. đây là ý kiến riêng cá nhân . Mong được tạp chí nghiên cứu . Xin chân trọng cảm ơn

Trả lời

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542