BA HOÀN CẢNH THƯƠNG TÂM Ở HUYỆN CẨM KHÊ CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ

Trong khi rất nhiều người trong chúng ta đang có cuộc sống bình thường, thì tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, vẫn còn những mảnh đời éo le, thương tâm, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng. Dưới đây là 3 trong số những gia cảnh ấy...

Cụ bà hơn 70 tuổi tại xã Yên Dưỡng gồng mình nuôi con tâm thần cùng cháu nội!

Đã ngoài 70 tuổi lại mang trong mình căn bệnh ung thư trực tràng, nhưng nhiều năm nay chưa ngày nào bà Sửu được nghỉ ngơi. Bởi, nếu bà mà ngơi tay thì 2 người con trai tâm thần và đứa cháu nội 5 tuổi cũng phải nhịn đói theo.

Câu chuyện buồn về gia đình bà Nguyễn Thị Sửu (sinh năm 1946, trú tại khu 5, xã Yên Dưỡng, được bác Nguyễn Thanh Huệ - Trưởng khu 5 kể lại, khiến người nghe rưng rưng nước mắt.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Chinh (sinh năm 1938) lên đường nhập ngũ. Lăn lộn chiến đấu ở khắp chiến trường miền Nam, rồi ông Chinh bị địch bắt. Sau khi bị cầm tù 6 năm ở nhà tù Côn Đảo, ông Chinh được giải ngũ năm 1973. Trở về địa phương ông gặp và kết hôn với bà Sửu người cùng xã, đang tham gia lực lượng TNXP.

Đã 73 tuổi lại mắc ung thư trực tràng, nhưng bà Sửu vẫn đang là trụ cột gia đình

Do trong mình nhiễm chất độc Da cam, nên trong 3 người con của ông bà chỉ duy nhất người con cả Nguyễn Văn Duẩn (sinh năm 1974) lấy được vợ và đã ra ở riêng. 2 người con khác là Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1981), Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1990) ngay từ khi sinh ra đã đau ốm quặt quẹo, đến tuổi trưởng thành mà vẫn ngơ ngác như đứa trẻ lên 3.

Bi kịch tiếp tục đến với gia đình bà Sửu khi năm anh Tuyến 31 tuổi trong một lần đi lang thang tình cờ gặp chị Thơm kém anh 11 tuổi, người xã bên cũng ngơ ngẩn như anh. “Tình yêu sét đánh” đến với 2 con người đáng thương này.

Sau lần gặp gỡ đinh mệnh ấy, anh Tuyến về nhà nằng nặc đòi bố mẹ cưới vợ cho mình. Vì 2 người đều mang bệnh tâm thần nên không thể đăng ký kết hôn được, bà Sửu chỉ làm vài mâm cỗ mời bà con, họ hàng và đón chị Thơm về nhà làm “vợ” anh Tuyến.
Nhiều năm chiến đấu ở chiến trường miền nam, ông Chinh bị nhiễm chất độc Da cam
 
Đã đến tuổi trưởng thành, nhưng 2 anh em vẫn ngơ ngác như đứa trẻ, chỉ biết tranh ăn và trêu chọc nhau.

“Cho đến bây giờ không hiểu sao gia đình tôi lại vượt qua được lúc khó khăn ấy. Khi vợ thằng Tuyến đẻ con bé Thắm, thì đúng lúc tôi phát bệnh ung thư trực tràng phải phẫu thuật và nằm viện mấy tháng trời.

Ông nhà tôi thì sức yếu lại không có người chăm sóc, mấy lần tưởng không qua khỏi. Con dâu tôi thì không chịu cho con bú, 3 lần vứt con đi may mà có người phát hiện ra, không thì cháu tôi đã không được làm người. Dù vết mổ chưa lành hẳn tôi phải ra viện sớm để về nhà nuôi cháu…” - bà Sửu nhớ lại.

Ôm đứa cháu nội 4 tuổi vào lòng, bà Sửu rơm rớm nước mắt kể: “Khổ thân cháu tôi, ra đời được mấy hôm thì mẹ nó phát bệnh nặng phải đi nằm ở bệnh viện tâm thần. Con bé Thắm không được giọt sữa nào của mẹ. Bà con hàng xóm phải xúm vào để mua sữa cho con bé, thì nó mới lớn lên được như ngày hôm nay”.

Thật khó mà kể hết những nỗi nhọc nhằn vất vả mà bà Sửu đã phải trải qua: vừa chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, lại phải nuôi đứa cháu còn đỏ hỏn, vừa phải chăm sóc người chồng ốm yếu, lại còn phục vụ 2 người con tâm thần chỉ biết ăn xong rồi trêu chọc nhau.
 

Bao nhiêu năm qua, gia đình bà Sửu sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội. Sau thời gian dài đau ốm, đầu năm 2019 ông Chinh qua đời. Khoản trợ cấp bệnh binh và nhiễm chất độc Da cam của ông Chinh không còn. Tiền trợ cấp ít ỏi của bà Sửu và 2 người con tâm thần phải dành để bà đi bệnh viện, nên cuộc sống của gia đình 4 nhân khẩu này chật vật vô cùng.

“Gia đình bà Sửu là hộ nghèo ở địa phương. Nhất là từ khi bà Sửu phát bệnh ung thư thì càng khó khăn gấp bội. Từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn thường xuyên vận động bà con giúp đỡ nhưng cũng rất hạn chế, vì xã chúng tôi là xã 135, bà con đa phần nghèo khó. Chúng tôi đang rất lo lắng bởi bệnh tình của bà Sửu, nói dại ngộ nhỡ bà ấy mà nằm xuống thì 2 đứa con tâm thần và cháu nhỏ sẽ thế nào?!...”- bác Huệ ái ngại giãi bày.

Bà Sửu phơi sắn khô làm đồ ăn cho cả nhà

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Nguyễn Thị Sửu, Địa chỉ: Khu 5, xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm khê, tỉnh Phú Thọ, ĐT 0329539301; hoặc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Thọ để chuyển trợ giúp gia đình.


 Cậu bé mồ côi chăm ông ngoại bệnh tật ở Xã Đồng Lương 

Một ngày cận tết, trời mưa rả rích, gió mùa đông bắc rít từng hồi khiến cái rét cuối năm càng thêm buốt giá. Đúng hôm ấy, chúng tôi tìm về khu 16, (xã Đồng Lương, huyện Cẩm khê, tỉnh Phú Thọ) thăm cậu bé mồ côi Bùi Quốc Việt.

Con đường mòn ngoằn ngoèo men theo các sườn đồi dẫn chúng tôi đến căn nhà nhỏ của ông bà ngoại cậu bé. Trước mặt chúng tôi là một cây cầu được làm bằng những phên tre đã cũ mục, tiếp đến là một con dốc nhỏ trơn tuột.

Vừa bước chân đến đầu ngõ, cậu bé chừng 8 đến 9 tuổi hớt hải từ trong nhà chạy ra, vừa chạy vừa kêu thất thanh “ông cháu sắp chết rồi...!”. Lúc đó, chúng tôi cùng một số người hàng xóm nghe tiếng, không ai bảo ai, chạy thật nhanh vào nhà mà quên đi mất con dốc trơn trượt và bên cạnh là một cái ao.

Bố bị tai nạn qua đời khi Việt mới được 9 ngày tuổi. Tròn tháng, mẹ con Việt dắt díu nhau về nương nhờ ông bà ngoại nghèo khó. Nghiệt ngã thay, người mẹ cũng qua đời sau cơn bạo bệnh. Từ đó, Việt trở thành đứa trẻ mồ côi, ngày ngày giúp bà ngoại chăm ông trong cảnh khốn khó đến cùng cực.

 
Một lần bà phải ra đồng làm mạ, cháu 8 tuổi ở nhà chăm ông. Tưởng ông chết, thằng bé được một phen hoảng hồn
 
Bé Bùi Quốc Việt (sinh năm 2012) đã sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Bên trong căn nhà cũ kĩ là một cảnh tượng vô cùng xót xa! Trên chiếc giường ọp ẹp bừa bộn chăn chiếu, một người đàn ông gày gò ốm yếu khó đoán tuổi đang ôm ngực ho sặc sụa, sau mỗi cơn ho kéo dài thì 2 mắt anh lại lồi ra, bọt mép sùi ra thấm xuống chăn.

Dứt cơn ho, với những hơi thở khó nhọc, đứt quãng, ông Bùi Văn Quỳnh năm nay mới ở tuổi ngoài 50 mà chúng tôi cứ ngỡ như người 70. Ông bị mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã lâu.

Khó nhọc chống tay xuống giường, gượng ngồi dậy, giọng thều thào: “Tôi mới ở viện về, bác sĩ dặn phải cẩn trọng sức khỏe mỗi khi gió mùa về. Trời trở rét từ đêm qua, cả đêm bà ấy thức cùng tôi, sáng sớm nay bà nó lại phải ra đồng để che phủ đám mạ mới gieo, không thì nó chết mất vì sương muối mất. Nên để thằng bé Việt ở nhà chăm sóc ông, vừa rồi tôi không thở được thằng bé tưởng ông chết, chạy ra ngoài kêu cứu…”.

Nhìn thể trạng ông Quỳnh tiều tụy không còn sức sống, chúng tôi không khỏi lo lắng. Cũng tại cái nghèo cái đói mà mạng sống con người quá đỗi mong manh!

Lúc này bà Đào (vợ ông Quỳnh), cùng vừa chạy về đến nhà. Người phụ nữ dáng vẻ lam lũ, quần vắn ông thấp, ống cao, dính đầy bùn đất, chị thở như đứt hơi và bảo: Tôi đang ở ngoài đồng, nghe có người báo ông ấy lại nghẹn thở nên chạy một mạch về nhà vì sợ...ông ấy có mệnh hệ gì thì bà cháu biết làm sao!

Nói rồi, bà Đào lấy tay vỗ vỗ vào lưng cho chồng dễ thở, rồi ngồi một lúc, sức khoẻ ông Quỳnh đã khá hơn, hơi thở đã đều trở lại, mặc dù vẫn còn những cơn ho tưởng như xé toang cổ họng.

Sau khi cho chồng uống chút nước ấm, bà Đào quay sang tâm sự với chúng tôi câu chuyện buồn của gia đình mình: Do nghèo khó, nên các con của ông bà không được học hành đến nơi đến chốn, sớm phải làm lụng kiếm sống.
 
 
Gần đây bệnh của chồng trở nặng, khoản “thu nhập” từ măng rừng cũng không còn, khiến cho cuộc sống của gia đình bà Đào vốn đã khó khăn, nay lại chật vật hơn gấp bội


Đứa con trai đầu (sinh năm 1992), do sinh non, nên trưởng thành rồi mà chỉ nặng khoảng 40 cân, theo người họ hàng làm thuê ở Hà Nội, sức yếu nên nuôi thân còn khó, nói chi đến việc giúp bố mẹ.

Đứa con gái út (sinh năm 1997) thì sớm lấy chồng xa nhà, khi gặp và nên duyên với một chàng trai cùng cảnh làm thuê trong một quán cơm ở thành phố.

Nói đến người con gái bạc mệnh, người mẹ này ứa nước mắt nghẹn ngào: “2 đứa nó gặp nhau khi cùng làm thuê ở Hà Nội, khi ấy con bé mới 17 tuổi, không đăng ký kết hôn được. Thằng bé Việt ra đời được 9 ngày, thì bố cháu bị tai nạn tử vong ngay tại chỗ. Cháu được 1 tháng thì vợ chồng tôi đón mẹ con nó về nhà.

Năm kia (2018) mẹ cháu lại bị bệnh mà chết khi đang làm giúp việc ở Hà Nội, khổ thân cháu tôi lớn lên không biết mặt cha, giờ mẹ cũng không còn...”! 
 
Nhà chỉ có hơn 2 sào ruộng lúa, để trang trải cuộc sống và nuôi cháu, bà Đào không có nghề nào khác ngoài việc lên rừng bẻ măng nứa về bán. Mỗi khi đi rừng, thường chị rời nhà từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới trở về, gùi măng bà kiếm được cũng chỉ bán được vài chục ngàn đồng…

Mấy năm gần đây bệnh của ông Quỳnh trở nặng, bà Đào không còn đi rừng được nữa. Khoản thu nhập từ hái măng rừng cũng không còn, cuộc sống của gia đình vốn dĩ đã khó khăn, nay lại chật vật hơn gấp bội.
 
Trao đổi với anh Bùi Quang Thức trưởng khu 16, anh Thức cho biết: “Hoàn cảnh nhà ông bà Quỳnh - Đào là đặc biệt khó khăn ở địa phươn. Ông Quỳnh mắc bệnh mãn tính sức yếu nên tính mạng thường xuyên bị đe dọa. Cuộc sống của gia đình này vốn đã rất nghèo khó, nay lại phải cưu mang đứa cháu mồ côi ăn học lại càng khó khăn hơn. Qua đây, tôi mong muốn các nhà hảo tâm giúp anh chị ấy, nhất là thằng bé Việt để cháu nó có một tương lai tốt đẹp hơn…”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Đào. Địa chỉ: Khu 16 Vạn Thắng, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, ĐT: 0359036213; hoặc Hội chữ thập đỏ huyện Cẩm Khê.

Người đàn ông mắc ung thư, một mình nuôi 2 con nhỏ ở xã Cấp Dẫn

Anh Trần Văn Thắm (sinh năm 1990, trú tại khu 7, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lợi hàm. Từ khi anh Thắm bị bệnh hiểm nghèo, vợ anh bỏ nhà đi, để anh tất tả ngược xuôi, lo cái ăn, cái mặc cho 2 con nhỏ tuổi.

camkhe_112Ba bố con anh Thắm

Gạt nước mắt, bà Trần Thị Hòa - mẹ anh Thắm - tâm sự: “Con trai tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình. Nhưng từ hồi con đổ bệnh, vợ nó cũng khăn gói đi mất..”. Theo bà Hòa, do căn bệnh đã đến giai đoạn hiểm nghèo, các bác sĩ tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) cũng đành “lắc đầu” trả anh về với gia đình. “Các bác sĩ tại Bệnh viện K Tân Triều cho biết, nếu thực hiện ca phẫu thuật sẽ tàn phá khuôn mặt Thắm. Phần hàm trên sẽ bị cắt bỏ, và nguy cơ phẫu thuật phần hàm dưới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch máu, dây thần kinh não của con tôi” - bà Hòa nghẹn ngào.Anh Trần Văn Thắm (sinh năm 1990, trú tại khu 7, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lợi hàm. Từ khi anh Thắm bị bệnh hiểm nghèo, vợ anh bỏ nhà đi, để anh tất tả ngược xuôi, lo cái ăn, cái mặc cho 2 con nhỏ tuổi.

Gạt nước mắt, bà Trần Thị Hòa - mẹ anh Thắm - tâm sự: “Con trai tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình. Nhưng từ hồi con đổ bệnh, vợ nó cũng khăn gói đi mất..”. Theo bà Hòa, do căn bệnh đã đến giai đoạn hiểm nghèo, các bác sĩ tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) cũng đành “lắc đầu” trả anh về với gia đình. “Các bác sĩ tại Bệnh viện K Tân Triều cho biết, nếu thực hiện ca phẫu thuật sẽ tàn phá khuôn mặt Thắm. Phần hàm trên sẽ bị cắt bỏ, và nguy cơ phẫu thuật phần hàm dưới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch máu, dây thần kinh não của con tôi” - bà Hòa nghẹn ngào.

Sống trong cảnh khốn cùng, anh Thắm vừa làm bố, vừa làm mẹ của 2 con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn (hai cháu sinh năm 2012 và 2013) khiến khó khăn chồng chất khó khăn. “Cái chết đối với tôi không còn đáng sợ. Điều khiến tôi sợ và nuối tiếc nhất cuộc đời là không được đồng hành và nhìn thấy các con khôn lớn” - anh Thắm nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Hậu - Chủ tịch UBND xã Cấp Dẫn - nói rằng, chính quyền địa phương hy vọng các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ cho hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của anh Thắm.

Mọi sự giúp đỡ cho anh Trần Văn Thắm xin gửi về: Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Điện thoại: 024.39232748; Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện TLV, STK: 113000000758 tại Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; Hoặc liên hệ trực tiếp với anh Trần Văn Thắm thông qua số điện thoại: 0379775671.

Giới thiệu một số hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức, các doanh nghiệp, doanh nhân mở lòng phát tâm chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn để bà con có thể vượt quan hoàn cảnh. hòa nhập cùng cộng động.

 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542