Bút Tre: Tiếng thơ độc đáo miền Đất Tổ

Trong những lần đến với miền Trung, Tây Nguyên hay về miền Tây và đất Mũi Cà Mau, được các đồng nghiệp văn nghệ giới thiệu về văn hóa dân gian đặc sắc của từng vùng trong đó có các truyện hài hước, gây cười; tôi đem thơ Bút Tre đậm tính hài của quê hương Đất Tổ ra để đối ứng với bạn nghề. Nghe những câu thơ lục bát, song thất lục bát được sáng tạo theo những lối riêng, với cách gieo vần chẳng giống bất kỳ một thể loại thơ nào nhưng dễ thuộc, tạo được tính bất ngờ, khiến người nghe phải bật cười. 

img4203-1580437737

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Phúc - Chủ nhiệm CLB giao lưu mỹ thuật Quốc tế trao tặng bức tượng đồng chân dung nhà thơ Bút Tre cho Nhà lưu niệm Bút Tre.


Tác giả của dòng thơ dân gian này là ông Đặng Văn Đăng - nguyên Trưởng ty văn hóa thông tin Phú Thọ. Ông sinh năm 1911 tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê. Ông về hưu năm 1970, mất năm 1987. Là người học rộng, đi đó đây nhiều nên ông có vốn kiến thức thâm hậu để sáng tạo một dòng thơ dân gian độc nhất vô nhị. Thơ của ông có giọng điệu khác lạ, lắm khi “ngang như cành bứa”. Nhưng chính lời lẽ ngang ngang, mộc mạc, nôm na, tự nhiên, giàu tính hài hước, chân chất chẳng giống ai, đôi khi cảm như thô tục ấy lại làm nên phong vị cho một dòng thơ dân gian độc đáo.

 …Gieo vần gẫy nửa nhịp câu
Giữa dòng bạt mạng ngắt câu ngang phè
Mà sao ai cũng thích nghe
Cứ nghe mà biết Bút Tre là cười…


Hội thảo về thơ Bút Tre được tổ chức tại trường Đại học Hùng Vương năm 2018, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà báo có tên tuổi đã có chung nhận định: Thơ Bút Tre dân dã tự nhiên như hoa rừng, gió núi, khỏe mạnh trẻ trung, tươi mát, vì vậy đã làm cho người đọc có những phút sảng khoái phấn chấn tâm hồn… 

img9027-1580437760
Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Đồng Tháp thăm và tặng bức tranh lưu niệm cho Ban quản lý Nhà lưu niệm Bút Tre.


Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy cho biết chính ông Đặng Văn Đăng là người khởi xướng phong trào “tiếng hát át tiếng bom” những năm chiến tranh ác liệt nhân chuyến ông đi tuyến lửa Quảng Bình. Trong cương vị “tư lệnh ngành” ông luôn biết tự răn mình và nhắc nhở mọi người đề cao trách nhiệm trong các hoạt động văn hoá, từ đó ông mới viết:

Bây giờ đang đứng Trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta.


Ông cũng dùng thơ của mình để động viên nhân dân lao động sản xuất, vận động quần chúng làm theo chủ trương chính sách của Đảng:

Làng ta có cái núi voi 
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
 Voi cũng hăng say đua sản xuất 
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai


Họa sĩ Ngô Quang Nam- Nguyên Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, nhiếp ảnh Bộ Văn hóa Thông tin, Trưởng ty văn hóa, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú đã dày công nghiên cứu để tìm ra 7 “lối” sáng tác thơ của Bút Tre theo cách gọi dân gian, đó là: Lối vắt dòng, bẻ câu; viết tắt hay là chặt từ; lối để lửng từ trong câu thơ lục bát; lối hoan hô; lối tiếp từ câu lục bát thành câu có 9 từ; lối lục bát ngẫu hứng song thất và lối biến âm để tạo vần hay cưỡng ép thanh vần. Đó cũng chính là những thủ pháp nghệ thuật của thơ Bút Tre. 

Đến giờ thì chẳng ai không thuộc đôi câu thơ Bút Tre với lối vắt dòng bẻ câu như:

“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”


Đây là hai câu thơ mở đầu cho bản trường ca viết về Điện Biên của cụ Bút Tre. Hay là bẻ tên riêng của người, bẻ cả tên các tỉnh, thành nhưng đâu có tùy tiện:

 “Anh đi công tác Pờ lây (Plâycu)
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra” 


Với thủ pháp này, thơ Bút Tre không thể lẫn vào bất cứ loại thơ nào và nó khiến cho ai đã đọc thơ không thể không nhớ và trở thành câu truyền miệng khắp gần xa mỗi khi nói đến thơ Bút Tre. 

Trong thơ Bút Tre có lối nói tắt, viết tắt, chặt từ hết sức dí dỏm độc đáo và gây được tiếng cười ngả nghiêng, quá quen thuộc với người yêu thơ Bút Tre:

 “Chị em phụ nữ giỏi thay
Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình”
  (tức là cửa nhà mình)

Trong thơ Bút tre chất dân gian, chất hài hước ngẫm ra thì chẳng có gì dung tục, chỉ là câu ghép vần song ý thì lại thanh thoát. Đọc câu chữ dễ khiến người ta liên tưởng đến những điều rất đời thường. Chính điều này làm người nghe, người đọc tiếp thu và truyền khẩu cho nhau rất nhanh, gây cười một cách tự nhiên. Chính vì thế mượn giọng thơ của ông nhiều người viết lời mới mà  có hàng trăm, hàng nghìn bài thơ kiểu Bút Tre để có được đội ngũ khá đông đảo làm thơ “hậu Bút Tre” có tác phẩm in sách như các ông: Phạm Ngọc Trân, Đặng Trần Luật. Hiểu sâu sắc để có thể bình thơ Bút Tre như Ngô Quang Nam với tác phẩm “Bút Tre-Thơ và giai thoại”, hay các văn nghệ sĩ như Cao Khắc Thùy, Dương Huy Thiện, Triệu Hồng... còn những người sáng tác vài câu thơ kiểu Bút Tre thì có vô số. 

Đọc thơ “Bút Tre”, người ta cứ ngẫm mà cười. Tiếng cười từ những câu thơ mang đến cho người nghe sự sảng khoái biết nhường nào. Rõ ràng, thơ Bút Tre thể hiện được chức năng giải trí của văn học một cách đặc biệt. Năm 2019, Nhà lưu niệm Bút Tre đã được Nhà nước đầu tư xây dựng ngay trên quê hương ông- xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê. Nơi đây đã và đang trở thành một địa chỉ đỏ cho người yêu thơ. 

Thăng Long

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542