Liên tiếp trong hai đêm mùng 8. mùng 9/5, mưa lớn kèm theo giông lốc đã xẩy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh; thông tin ban đầu cho biết, đã có 1 người bị chết, 8 người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản nhà cửa và hoa màu của người dân, doanh nghiệp, công trình công cộng ở các địa phương trong tỉnh. Tình trạng mất điện diễn ra ở nhiều nơi.
Rất nhiều căn nhà bị tốc mái
Theo thông kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tại huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn… mưa to kèm giông lốc tối mùng 8/5 đã gây tốc mái, hư hỏng, thiệt hại hơn 2.500 ngôi nhà, trường học, trạm y tế, trong đó 38 ngôi nhà sập đổ; hơn 1.400 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 455 ha rừng bị thiệt hại; 800 gia cầm bị chết. Mưa bão còn làm 16 cột điện hạ thế và 2 cột thông tin bị đổ gãy…
Đặc biệt tại xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, mưa bão đã làm bà Nguyễn Thị Toàn chết đuối do lật thuyền và 08 người bị thương (TX Phú Thọ 02, Tam Nông 01, Thanh Thủy 01, Yên Lập 01, Cẩm khê 03);
Hoa màu, cây cối bị đổ gẫy
Mưa lớn kèm theo giông lốc tiếp tục xảy ra trên địa bàn vào tối 9/5, đã khiến một người bị thương , hơn 200 công trình gồm nhà ở, trường học, công trình văn hóa bị tốc mái, hư hỏng và hàng trăm ha lúa, rau màu, rừng sản xuất, cây đô thị… bị ảnh hưởng nặng nề.
Xưởng sản xuất gạch ở xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê bị đổ sập
Gần 1000 m2 nhà để xe của Cty Quang Phúc ở KĐT Minh Phương Việt Trì bị gió cuốn phăng.
Thiệt hại nặng nhất là ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Tân Sơn, Phù Ninh và thành phố Việt Trì. Ngay trong sáng 10/5, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng của mưa, giông lốc và tiến hành kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu huy động lực lượng tại chỗ, ưu tiên hỗ trợ các hộ bị thiệt hại về nhà ở và các công trình trường học để người dân sớm ổn định cuộc sống và tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học…
Nhiều nhà cửa và điện tích trồng ngô của người dân bị hư hại hoàn toàn
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có nhiều hướng dẫn cụ thể trong việc khắc phục thiệt hại như: Đối với cây đô thị bị đổ, gẫy thì trồng dựng lại hoặc cưa bỏ, trồng bổ sung; đối với diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng nhưng có thể thu hoạch được thì khẩn trương thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nếu lúa chưa thu hoạch được thì tổ chức dựng và bó buộc lại; tổ chức che chắn diện tích trồng cây rau màu, cây trồng, vật nuôi… phù hợp theo điều kiện của từng hộ gia đình và địa phương.
Trường Tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông bị tốc mái, hư hỏng nặng nề
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ những cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để có những chủ động hướng dẫn người dân trong phòng tránh những hậu quả do thiên tai có thể xảy ra; tổ chức kiểm tra, rà soát và bố trí nơi ở an toàn cho người dân; các cơ quan thông tin truyền thông cần tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân cách nhận biết sớm về mưa, giông lốc, sét, mưa đá… cũng như các biện pháp ứng phó để đảm bảo an toàn người và tài sản…
Nguyễn Sản (Tổnghợp)
Người gửi / điện thoại