Mặc dù là một trong những địa phương kiểm soát, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, song tỉnh Phú Thọ không thể tránh khỏi những tác động trực tiếp của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội xã Hương Nộn, huyện Tam Nông thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Toàn tỉnh có gần 25.500 lao động tại 158 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó nhóm doanh nghiệp sản xuất gia công hàng may mặc xuất khẩu bị ảnh hưởng tương đối lớn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh đến giữa tháng 4/2020 các doanh nghiệp đã phải cho 15.340 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận nghỉ không hưởng lương; có doanh nghiệp phải ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến giữa tháng 4/2020, có 13 doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất; gần 40 doanh nghiệp tồn đọng hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được nên phải thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh; hơn 90 doanh nghiệp gặp khó khăn do người lao động tự ý nghỉ việc, sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Ngoài ra, còn khoảng 43.000 lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực cá thể bị ảnh hưởng, tập trung ở các ngành, nghề sản xuất, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, du lịch, vận tải…
Đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hụt lao động người nước ngoài có tay nghề cao khi sử dụng dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại. Sự thiếu hụt lao động là người nước ngoài đã tác động và ảnh hưởng lớn đến quá trình chỉ đạo điều hành, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp có nguy cơ phải ngưng hoạt động vì thiếu lao động nước ngoài ở những vị trí cần thiết như: Quản lý, điều hành doanh nghiệp, vận hành dây chuyền sản xuất…
Nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, Sở LĐ,TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Từ tháng 1/2020 đến ngày 16/4/2020, Trung tâm đã tiếp nhận 1.536 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 1.340 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp nhận hồ sơ của người lao động bằng nhiều hình thức như: Gửi hồ sơ qua đường bưu điện, nộp hồ sơ trực tiếp sau khi hết thời gian cách ly xã hội. Số tiền trợ cấp thất nghiệp chi trả cho người lao động theo quyết định là trên 21,8 tỷ đồng (tăng hơn 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019).
Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, Sở đã có văn bản hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng này, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động và người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian tạm dừng đóng. BHXH tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát BHXH cấp huyện trong việc tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất khi nhận được hồ sơ đề nghị của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
Về việc chi trả hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QQĐ-TTg, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm gia đình chính sách, người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn. Hiện nay, đã có trên 222.000 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chế độ hỗ trợ với số tiền trên 221 tỷ đồng. Các địa phương đang tiếp tục tổ chức rà soát, thống kê danh sách người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp để thực hiện chi trả tiếp theo.
Cùng với đó, Sở còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giúp người lao động có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm, tự sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống.
HỒNG NHUNG