Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMES tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”

Sáng 5/6/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và địa phương lân cận đến tham dự và trao đổi thông tin. Tại các đầu cầu ở 62 địa phương trên cả nước có sự tham gia trao đổi, thảo luận trực tiếp bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng PolyCom của VNPT của trên 1.500 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở/Ban/Ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.

Điểm cầu Phú Thọ được tổ chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công với sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu một số ngành, địa phương, Hiệp hội DNNVV và các hội/hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cung cấp, trao đổi thông tin chuyên sâu về tiếp cận thị trường và đánh giá các tác động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam khi thực thi Hiệp định, đồng thời đưa ra định hướng về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EVFTA; Thông tin về nhu cầu nhập khẩu các nước thuộc EVFTA; Định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mà Hiệp định EVFTA đem lại..

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Ủy viên Trung ương Đảng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đồng chủ trì Hội nghị tại Hà Nội.

3c249cd154e77b329ea66

Đ.c Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Hoàn chỉnh chiến lược hội nhập

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng dịnh, với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do và khung khổ hội nhập cả song phương và đa phương mà Việt Nam đã đàm phán ký kết, phê chuẩn và tổ chức triển khai, đến nay, chúng ta có được tiến trình hội nhập hoàn chỉnh và toàn diện, đón bắt kịp thời xu thế phát triển chung của thế giới.

Những FTA thế hệ mới như CPTPP, và mới đây nhất là EVFTA là những miếng ghép giúp Việt Nam hoàn thiện dần chiến lược hội nhập.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng cho biết, FTA này được coi là công cụ và nền tảng quan trọng để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển.

Thông qua những yêu cầu và cam kết trong phát triển FTA như vậy, không chỉ các lĩnh vực quản lý nhà nước mà trong các hoạt động cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực nền kinh tế xã hội của đất nước cũng sẽ được những điều kiện thuận lợi để thụ hưởng những ưu đãi trong tiếp cận với thị trường quốc tế, về cả tín dụng, thị trường hàng hóa, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thị trường lao động…

Theo Bộ trưởng, thông qua các FTA thế hệ mới nói riêng, cùng với những khung khổ hội nhập trước đó, chúng ta đã có chiến lược hội nhập hoàn chỉnh với quan hệ thương mại tự do với 15/20 nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Như vậy những điều kiện để phát triển thị trường, đảm bảo được nhu cầu và năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế của các doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng. Những điều kiện ưu đãi về thuế quan về thuận lợi hóa thương mại, các điều kiện và những hàng rào kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường cũng như gắn kết với các tập quán và hình thức thương mại văn minh và phát triển sẽ là nền tảng quan trọng cho chúng ta nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của những thị trường cơ quản cho cộng đồng DN và DNNVV.

"Bên cạnh đó, những thuận lợi về cải cách thế chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho chúng ta khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động.

Thì đây cũng là những cơ hội để chúng ta tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam tại Hội nghị

Nhìn từ góc độ của các DNNVV, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ đi cùng với khó khăn, thách thức mà khi thực thi Hiệp định, doanh nghiệp phải đối mặt. Để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, Chủ tịch Hiệp hội đề xuất Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA.

Đặc biệt, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Thân cần tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA.

Áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đối với EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Cụ thể, ngay trong 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.

Đối với những cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong Hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay EU dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP). Đây là Chương trình EU hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển xuất khẩu hàng hóa sang EU. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA có quy định về mối quan hệ giữa thuế suất theo Hiệp định này và thuế suất trong Chương trình GSP mà EU đang dành cho Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tại Hội nghị

Cụ thể, EVFTA quy định thuế suất ưu đãi của EU theo EVFTA trong bất kỳ trường hợp nào không được cao hơn mức thuế mà EU áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam trước ngày EVFTA có hiệu lực. Nghĩa vụ này áp dụng từ ngày đó tới năm thứ 07 sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Ông Lương Hoàng Thái cho biết, trong thời gian tới, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hơn 500 triệu dân này. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống.

Cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho hay, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán XTTM chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.

111427a4938ca5a37046e4b

Đại biểu các DN của tỉnh tham gia Hội nghị

Vì vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Đối với DNVVN, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. “Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DNVVN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng và bài bản cho việc thực thi một hiệp định FTA như lần này. Chính phủ đã có Kế hoạch hành động tổng thể, Bộ Công Thương cũng đã có Kế hoạch chi tiết, tổ chức thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta cũng như nhiều thị trường trên thế giới đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng theo định hướng đa dạng hơn, bền vững hơn

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542