Ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế tỉnh; đại diện lãnh đạo các hiệp hội/hội doanh nghiệp.
Hiệp định thương mại tự do EVFTA được ký kết ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định.
Tại tỉnh Phú Thọ, để thực thi Hiệp định hiệu quả, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA. Ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan bám sát các nội dung của Hiệp định để tuyên truyền. Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp của tỉnh với các tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức hội nghị giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về một số nhóm vấn đề lớn liên quan đến công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng; các giải pháp để tận dụng ưu đãi và lợi thế từ Hiệp định, phương án hỗ trợ với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu. Song EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ kế hoạch chung để xây dựng chương trình hành động cụ thể, chủ động xây dựng văn bản pháp luật liên quan, hướng dẫn thực thi sát với thực tiễn; thực hiện đúng cam kết, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Hiệp định có hiệu quả, nhất là về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, năng lượng, viễn thông, Logistic. Song song với lợi ích kinh tế thì phải làm tốt trách nhiệm xã hội, việc làm và bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Thông qua các hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, là chủ thể quyết định thành công trong thực hiện Hiệp định, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Đồng chí lưu ý, đây là kế hoạch dài hạn, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên rà soát, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch và đánh giá tình hình thực hiện, kiến nghị các biện pháp cần thiết, bảo đảm việc thực hiện được hiệu quả.
NGUYỄN HUẾ