TÌM VỀ NƠI NỬA THẾ KỶ TRƯỚC XUẤT HIỆN LOÀI LAN 5 CÁNH TRẮNG

Trong một đoạn của bài viết về ông chủ Vườn Lan An Phú ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đăng trên Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam giữa năm nay, tôi có nhắc đến chuyện kể của ông Nguyễn Bá Toan về nguyên cớ đưa ông đến với thú chơi hoa lan.

img_0055

Ông Chương và ông Toan bên gốc đa trước đình Cổ Tiết

Chuyện kể rằng, trên dưới chục năm trước, khi ấy, người chơi Lan còn rất ít. Vốn yêu hoa lan, biết ai có lan, dù ở đâu ông Toan cũng tìm cách mua bằng được, đến mức phải mang điều tiếng thị phi: - Có cái nhà còn phải bán, mà lúc nào cũng chỉ lan với huệ! Nghe đồn đại rằng, bên Cổ Tiết - Tam Nông chính là nơi có giống lan phi điệp 5 cánh trắng nhiều người ngưỡng mộ, ông Toan tìm đến tận nơi. Hỏi bà con dân làng được biết, năm 1972, khi Đoàn xiếc Trung ương của ông Tạ Duy Hiển sơ tán về đây, họ lấy cây đa cổ thụ trước đình làng làm nơi treo xà, buộc dây luyện tập tiết mục. Trèo lên cây, thấy nhiều “tầm gửi” có hoa đẹp, người nhà xiếc tiện tay bứt xuống, ai thích thì lấy. Vậy là từng chùm “tầm gửi” được một vài diễn viên mang về nhà dân nơi họ ở nhờ chăm chút, sau này chở về thành phố; còn lại người làng mang về treo vật vạ quanh gốc hồng, gốc mít, gốc xoan. Không rõ số phận những nhành hoa theo diễn viên về phố thế nào, nhưng ở Cổ Tiết, giống lan từ cây đa làng đã tồn tại gần như hoang dã trong gia đình những người yêu hoa suốt gần nửa thế kỷ qua. Trong cảnh đói nghèo, bà con Cổ Tiết phải khoai sắn thay cơm, công sức đâu mà chăm hoa. Trong số lan họ mang về có cây hoa màu tím, có nhành hoa màu trắng và ai cũng phải thừa nhận, tuy không có được sắc màu rực rỡ nhưng mặt hoa lan trắng rất đẹp; có vẻ kiêu sa, đài các đến huyền bí của mỹ nhân. Bởi thế, một số người sành chơi hơn chịu khó nhân giống, giữ gìn. Khi biết đó chính là loài hoa quý đã được địa phương hóa thành tên phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, ông Toan nhiều lần qua lại Cổ Tiết, biết rõ chỉ hai ông: Nguyễn Văn Chương ở khu 5 và ông Khuất Duy Tiến - nguyên Bí thư đảng ủy xã, ở xóm ngoài - có giống lan quý, nên tìm mọi cách mua bằng được…Với dăm chục giò lan mua được từ Cổ Tiết, vừa nhân giống, vừa tìm mua thêm, đến giờ ông Toan đã có một vườn lan mang tên An Phú, quy mô thuộc Top nhất nhì huyện Lâm Thao, với khoảng 700 giò 5 cánh trắng Phú Thọ.

img_0050Ông Toan với mầm lan 5 cánh trắng khủng

img_0068Niềm vui mỗi ngày của ông Chương bên chuồng lan.

Giữa thời điểm dư luận xôn xao về các giao dịch hoa lan tiền tỷ, các phiên đấu giá mà con số được chốt đến hơn chục tỷ đồng cho một mầm “huyền thoại bướm đại ngàn”, phóng viên Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam rủ rê bằng được ông Toan cùng về lại xã Cổ Tiết, nay được đổi tên là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Mục đích của chuyến đi là muốn xác minh thực hư câu chuyện mà ông Toan kể, tiến thêm một bước nữa là tìm hiểu nguồn gốc của loài hoa quý đã được định danh xuất xứ Lan năm cánh trắng Phú Thọ mà cả giới sành lan lẫn người đang muốn gia nhập làng chơi, người kinh doanh lan đang “khát”. Cùng mục đích, đồng hành với tôi là một nhà văn- nhà báo tên tuổi của báo Nông nghiệp Việt Nam.

Dọc đường, nói về hiệu quả ngành nuôi trồng lan ở Phú Thọ, ông Toan đưa ra vài con số: Hiện nay vùng Lâm Thao, Việt Trì, Phù Ninh, Tam Nông và các huyện khác trong tỉnh phải có đến hàng nghìn vườn lan, tạo việc làm và thu nhập cho rất nhiều gia đình. Tính sơ sơ, đã có hàng trăm ô tô được mua từ tiền bán lan, không kể các vật dụng đắt tiền khác như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt…Vài nghìn tấn sắt thép đã được sử dụng làm nhà lan, giàn lan, kích cầu mạnh ngành sản xuất thép xây dựng. Tận dụng mọi không gian, trồng Lan còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nên hình thức lao động phù hợp cho người hưu trí, rèn luyện tâm tính hướng thiện, nhân văn cho con người.

Cổ Tiết - Vạn Xuân đang trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, đường sá, xóm thôn có nhiều thay đổi. Vậy nên, dù đã hàng chục lần qua lại nhưng ông Toan vẫn phải hỏi đường để vào nhà ông Nguyễn Văn Chương. Giờ tham gia công tác xã hội, làm Phó chi hội trưởng Chi hội CCB khu 5 xã Vạn Xuân. Nhà ông Chương cách đình làng chừng 200 m. Đây là gia đình mà 9 năm trước ông Toan đã tìm đến, “vét” gần hết các giò lan hoa trắng, trong đó có giò lớn nhất, đẹp nhất, rất nhiều nhánh, thân dài được mua với giá 2 triệu đồng! Có một phần tích cóp từ tiền bán Lan, vợ chồng ông bà Chương -Tuyết mới xây được ngôi nhà khang trang. Lấy lý do mừng nhà mới và tri ân người bán lan để mình có được cơ ngơi như bây giờ, ông Toan rút ví lấy tiền biếu ông Chương mấy triệu đồng trước khi nói lời đề nghị ông Chương cùng ra thăm lại cây đa làng.

Trước ngôi đình làng gắn biển “Di tích văn hóa Quốc gia”, bên gốc đa “rạp xiếc” năm xưa, ông Chương khẳng định những điều mà ông Toan đã kể với tôi. Nhìn cây đa cao tới hơn hai chục mét, tán cây rộng đến hàng trăm mét vuông với cành, ngánh vươn ngang bề thế, chúng tôi cùng luận về nguyên nhân vì sao có tầm gửi, có hoa lan đậu trên cây.

img_0078

img_0090

Ông bà Tiến và "chuồng" lan nhỏ

anh_toan_va_khach_en_mua_lan

Một góc Vườn lan nhà ông Toan.

Xã Cổ Tiết nằm giữa một vùng đồi núi. Bên kia sông Thao là rừng quốc gia Đền Hùng. Phía Tây Bắc là rừng núi Thanh Sơn, Yên Lập. Xa hơn, phía Đông Nam là núi Ba Vì. Địa chí tỉnh Phú Thọ và các sách địa chí địa phương đều ghi, hàng trăm năm trước, những vùng rừng ấy còn nguyên sinh, hệ động thực vật vô cùng phong phú, phong lan nhiều vô kể. Mỗi làng quê vùng trung du Bắc Bộ, thường có một ngôi đình, hoặc chùa, hoặc đền, miếu; đi cùng thiết chế có tính tín ngưỡng đó là cây đa, bến nước (hoặc giếng nước). Gốc đa trước đình làng Cổ Tiết có tuổi đời phải đến mấy trăm năm. Khi cây mẹ già cỗi, một phần thân và một số cành chết khô thì rễ phụ phát triển, ôm lấy gốc mẹ mà lớn lên, đến nay vẫn có thể xếp hạng vào nhóm “Cây di sản Việt Nam”.

Loài lan thường ký sinh trên thân, cành những cổ thụ. Có hai giả thiết để lan được “di thực” từ rừng về cây đa cổ thụ, chu vi gốc hàng chục người ôm không xuể này: Một là chim chóc kiếm hạt làm mồi cho con hoặc ăn hạt rồi về thải quanh tổ trên cành đa; hai là do các cây mà lan ký sinh ở rừng bị đốn hoặc bị đổ, bị chết đứng, “tầm gửi” khô héo dần, chim chóc coi như cỏ rác cắp về làm tổ; gặp mưa gió, gặp phân chim, cỏ khô đã hồi sinh, rễ bám vào thân, cành cây mà nảy nở, sinh sôi.

Mọi người không ai phản biện các giả thiết được nêu ra, cũng như đều thừa nhận rằng trên cành đa Cổ Tiết đã từng có rất nhiều tầm gửi, rất nhiều hoa lan đẹp. Theo tín ngưỡng, người dân địa phương vẫn coi đa là cây thiêng như câu phương ngôn “Thần cây đa, ma cây gạo” nên không ai dám trèo lên lấy tầm gửi, lấy hoa. Chỉ đến khi người nhà xiếc ở thành phố sơ tán về, lớp trẻ chẳng biết sợ thần ma, lại giỏi leo trèo, nên khi anh em diễn viên lấy gốc đa làm nơi luyện tập, lấy cành đa làm xà cho các tiết mục đu dây… thì hoa lan mới bị bứt xuống và được “phân bố” đó đây như lời kể của ông Chương, ông Toan.

Năm 1972, ông Chương mới 15 tuổi, giờ ông đã 63. Loài lan quý gắn bó với ông ông Chương đã 48 năm, còn thời gian lan ký sinh trên cây đa trước đó không thể xác định. Chưa hề có ý định bảo tồn giống quý, gần nửa thế kỷ qua, gá lan chỉ là thú chơi của người nông dân vùng đồi. Kiếm được lan thì buộc vào thân cây trong vườn, khi thấy chùm hoa to thì xẻ ra, nhân thêm. Mấy năm ông Chương đi bộ đội, vợ ông một nách 4 con, việc vườn tược coi như bỏ bẵng. Đó là những lý do lan 5 cánh trắng “vật vạ” ở vườn ông Chương và một số gia đình ở Cổ Tiết.

Sau những chuyến mua vét của ông Toan, vườn ông Chương chỉ còn sót lại đôi ba giò, hoặc vài nhành lẫn trong mớ lan cánh tím. Khi làm nhà mới, do bận bịu với thợ thuyền mà ông buông lơi chăm sóc, cộng với bụi xi măng bám vào, các giò lan lụi gần hết. Có giò trước đó có khách đã trả đến cả trăm triệu, nay nhắc đến chuyện này, vợ chồng ông Chương bà Tuyết vẫn còn tiếc ngẩn tiếc ngơ. Còn vài giò 5 cánh trắng Phú Thọ với một số lan phi điệp thường, bây giờ cả ông Chương và ông Tiến đều làm “chuồng” sắt để “nhốt” hoa. Hoa, cây cảnh đẹp phải gắn với tự nhiên, có không gian tương tác, nên việc nhà nhà “nhốt lan” cũng làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên, thậm chí còn bị phản cảm khi những nhành là biếc, những cánh hoa mong manh đối lập với những bức tường sắt thép ken dày, những ổ khóa to tướng!

Dù phản cảm nhưng an toàn vẫn hơn, giờ khách săn hàng nhiều lắm - đó là câu nói của ông Khuất Duy Tiến khi chúng tôi đến nhà, gặp ông để thêm căn cứ về nguồn gốc hoa lan 5 cánh trắng Phú Thọ. Mà thực ra, Lan đang là "gà đẻ trứng vàng" thì cũng cần có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, và cũng phải bảo vệ an toàn - đó là điều tôi nghĩ.

NGUYỄN SẢN

 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542