“Với tỷ lệ 9/13 thành viên bỏ phiếu thông qua, việc giữ mức lương tối thiểu năm 2021 như năm 2020 là hoàn toàn hợp lý. Như vậy, các thành viên bỏ phiếu đã đồng thuận giữ nguyên mức lương tối thiểu 2020 áp dụng cho năm 2021”, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh bày tỏ.
Mùa đàm phán tiền lương đặc biệt
Khác với những mùa đàm phán tiền lương tối thiểu vùng những năm trước đây, bối cảnh thảo luận về tiền lương tối thiểu vùng 2021 diễn ra khi “đợt sóng” đại dịch COVID-19 vừa càn quét lần một khiến doanh nghiệp chưa kịp hồi phục đã vội vã tiếp tục “đợt sóng” lần hai. Nói như ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cơn bão COVID-19 khiến giãn cách, đứt đoạn các chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào, các ngành đang bị "ngấm đòn" nặng nề nhất là dệt may, da giày và ngành thâm dụng nhiều lao động.
Cùng với đó, doanh nghiệp còn bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Việc chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay. "Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, chúng ta đang có những gói hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn bĩ cực này. Cho nên, chúng tôi kiến nghị không điều chỉnh lương tối thiểu trong thời gian tới, để doanh nghiệp có cơ hội hồi phục", ông Phòng nói.
Trao đổi với DĐDN, bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy thoái nên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh ở các thị trường. Các doanh nghiệp chúng tôi thực sự đang phải gồng mình để người lao động không phải nghỉ việc.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, đang cố gắng với nhiều giải pháp để lao động không phải mất việc cho dù dịch bệnh chưa biết kéo dài đến bao giờ?
Đặc biệt, theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật, Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động, mức lương tối thiểu vùng sau khi tăng mức 5,5% vào năm 2020 đã đáp ứng được yêu cầu “lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu” như đúng tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách tiền lương. Thậm chí, mức lương tối thiểu vùng 2020 được tính toán theo mức CPI dự kiến là 4%, nhưng thực tế CPI 2019 chỉ 2,79%. Như vậy, lương tối thiểu vùng 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%.
Lao động sẻ chia
Điểm đặc biệt khác nữa ở mùa đàm phán tiền lương lần này, ngay cả tiếng nói của Tổ chức đại diện người lao động cũng đầy chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. “Nếu không tăng lương, doanh nghiệp cần có phương án đảm bảo việc làm cho người lao động”, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ. Theo đó, trường hợp Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, Tổng Liên đoàn sẽ phân tích tình hình cho người lao động để có sự thấu hiểu, cùng chia sẻ khó khăn.
Mặc dù có một diễn biến bất ngờ sau đó - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động đã không tham gia bỏ phiếu, nhưng với sự thống nhất cao, Hội đồng Tiền lương đồng thuận trình Chính phủ phương án không điều chỉnh lương tối thiểu 2021, đồng thời chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ.
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Lê Văn Thanh nhấn mạnh, đây là phương án hoàn toàn hợp lý. Thời gian đàm phán đã không còn nhiều và trong quý 3/2020, Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải báo cáo Chính phủ về đề xuất điều chỉnh phương án lương tối thiểu 2021.
Trái ngược với con sóng dữ COVID-19 đang tràn qua, một mùa đàm phán tiền lương khá êm đềm đã qua đi chỉ sau hai phiên thảo luận với sự đồng thuận, sẻ chia của các bên. VCCI – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua những thấu hiểu, nỗ lực của mình đã phác hoạ bức tranh chân thực đầy khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, những căn cứ, lý lẽ hoàn toàn thuyết phục đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của dư luận với doanh nghiệp. Cũng bởi lẽ hơn ai hết, người lao động đều hiểu được rằng, còn doanh nghiệp thì mới còn việc làm cho người lao động, cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế.
Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia:
Với tình hình khó khăn hiện nay, việc duy trì được mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2020 trong năm 2021 cũng đã rất khó khăn. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 chắc chắn không thể thực hiện được. Bởi dựa trên những cơ sở như tình trạng lao động mất việc nhiều, “sức khỏe” doanh nghiệp yếu, cung cầu lao động không gặp nhau, căn cứ điều chỉnh tăng lương không có. Người lao động cần có sự chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại trước đã, có vậy mới bảo vệ được việc làm cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động:
Người lao động thậm chí buộc phải chấp nhận tình trạng giãn việc, giảm giờ làm, thay đổi hình thức làm việc, giảm lương để vẫn có thể duy trì được việc làm, tránh thất nghiệp. Sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng là cách để người lao động tự giúp chính mình. Chính phủ cũng đã phải xem xét, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Do đó, cần tránh việc tăng lương, phát sinh chi phí thường xuyên của doanh nghiệp.
(Theo Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp)