Cùng với xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch và liên kết theo chuỗi, việc tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương mại đối với những sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, trao đổi, tiếp cận thị trường. Qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra cho sản phẩm, từng bước khẳng định giá trị các thương hiệu nông sản của Phú Thọ.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiềm năng xuất khẩu tỉnh Phú Thọ.
Từng bước khẳng định thương hiệu
Những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, từ đó đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Hiện toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm hàng hóa do các HTX sản xuất, trong đó có 42 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, 7 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm có lợi thế được đăng ký phát triển thương hiệu bằng hình thức nhãn hiệu tập thể như: Mỳ gạo Hùng Lô, Thịt chua Thanh Sơn, Nếp Gà Gáy Mỹ Lung, chè an toàn Long Cốc, bưởi đặc sản Đoan Hùng... Thông qua đó, các sản phẩm đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, tham gia vào các chuỗi cung ứng và tiêu thụ của các nhà hàng, siêu thị lớn, làm tăng giá trị sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho HTX và thành viên.
Bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh (LMHTX tỉnh) cho biết: Công tác xúc tiến thương mại luôn được LMHTX tỉnh ưu tiên, triển khai bằng những giải pháp đồng bộ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng, kết nối để mở rộng thị trường. Đây cũng là tiền đề góp phần tiến tới xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa ổn định, bền vững, từ đó tạo chỗ đứng cho nông sản của tỉnh trên thị trường.
Từ năm 2016 đến nay, LMHTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tham gia 11 hội chợ thường niên trong và ngoài tỉnh với 107 lượt sản phẩm; giới thiệu, tư vấn cho 200 lượt HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện do các ngành, địa phương tổ chức; phối hợp với Công ty cổ phần bia Hà Nội Hopmalt xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng nông sản tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử. Thông qua đó, nhiều HTX đã kết nối mở rộng thị trường, thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu kết hợp quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, phù hợp và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa, có tính cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối
Thực tế hiện nay, để tạo nên thương hiệu thật sự nhằm quảng bá cho các sản phẩm đặc thù lại chưa được doanh nghiệp, người sản xuất quan tâm đúng mức, phần nhiều duy trì thói quen “tự sản, tự tiêu” sản phẩm làm ra chủ yếu thông qua đôi khi là phụ thuộc vào thương lái. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản Phú Thọ thông qua hình thức trực tuyến. Cụ thể, Sở Công Thương phối hợp với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2020 để các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp trong khu vực có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp phân phối trong cả nước, kết nối với các nhà xuất khẩu để đẩy mạnh hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hóa, giảm thiểu lượng hàng hóa tồn kho góp phần tăng giá trị xuất khẩu của các địa phương, khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của tỉnh truyền tải lợi thế, thông tin của mình tới đối tác ở nước ngoài, tăng cường nắm bắt thông tin về thị trường, những điều kiện khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và được kết nối trực tiếp với một số nhà nhập khẩu nước ngoài. Để sau hoạt động này có nhiều doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp, góp phần chủ động nâng cao giá trị kinh tế cho doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Phú Thọ. Đối với Chương trình OCOP, Phú Thọ đề xuất 25 sản phẩm bao gồm các mặt hàng: Chè, tương, bánh chưng... Trong kế hoạch OCOP đánh giá xếp hạng trong năm 2020, hiện tại tỉnh đang triển khai đăng ký tham gia từ cấp xã và tiếp tục tiến hành đánh giá xếp hạng sản phẩm trong thời gian tới.
Đánh giá hiệu ứng của các chuỗi hoạt động trên, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga khẳng định: Thời gian qua, Phú Thọ đã tích cực thúc đẩy phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thực phẩm chế biến thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tuần lễ hàng đặc sản Phú Thọ, các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm đặc sản Phú Thọ hay các chương trình truyền thông... Qua đó, góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển làng nghề.
Xúc tiến thương mại, tìm các giải pháp hữu hiệu cho đầu ra các loại nông sản một cách bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và nhất là tạo ra các dòng sản phẩm nông sản chất lượng cao là những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực. Thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.