Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong doanh nghiệp có vai trò thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, qua đó, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ là hết sức thiết thực, tạo động lực, khuyến khích, lan tỏa đến các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị, tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, tạo sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba đổi mới công nghệ, hạn chế tối đa bụi chè phát thải ra môi trường, giảm thiểu tiếng ồn.
Năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND về hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh. Đây là chính sách được đánh giá là phù hợp với tiến trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và sự phát triển của khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa trong 6 lĩnh vực ưu tiên của tỉnh gồm: Công nghiệp hóa dược và công nghệ sinh học; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, giấy, gỗ; công nghiệp sản xuất nhiên liệu tái tạo; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới; công nghiệp cơ khí chế tạo máy, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hoạt động đổi mới công nghệ được xét hỗ trợ đến 10% giá trị công nghệ đổi mới và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/1 dự án.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 28 có thể coi là sự đột phá trong đổi mới tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, 79 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí 21,9 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sau khi đổi mới công nghệ nhìn chung đã phát huy được năng lực công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp này đã tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, doanh thu và lợi nhuận tăng hàng năm từ 30 - 45%, tạo ra sản phẩm chất lượng, cải thiện ô nhiễm môi trường, tạo thu nhập ổn định cho người lao động từ 6,5 - 9 triệu đồng/tháng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng năm tăng lên từ 25 - 30%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, giấy, gỗ đã hỗ trợ 42 lượt doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ 11,2 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới đã hỗ trợ 16 lượt doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, công nghiệp hỗ trợ đã hỗ trợ 21 lượt doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ với kinh phí trên 6 tỷ đồng.
Nhờ áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất nên hiện tại nhiều doanh nghiệp đã bắt kịp các doanh nghiệp FDI về khả năng hội nhập hiệu quả. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh luôn chú trọng đổi mới công nghệ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Công ty TNHH xây dựng và thương mại Ngọc Tuệ - Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì chuyên sản xuất, cung cấp tấm lợp kim loại phục vụ thi công, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp. Công ty đã liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và đưa ra thị trường nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng như: Tôn 1 lớp, tôn xốp chống nóng 3 lớp; tôn trần xốp 13 sóng, trần xốp chống nóng, tôn xốp chống nóng giả ngói... Ông Nguyễn Ngọc Tuệ - Giám đốc Công ty cho biết: “Để đưa doanh nghiệp phát triển và nâng tầm quy mô, chúng tôi nhiều lần đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, nghiên cứu hướng đi mới. Công ty được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đổi mới dây chuyền sản xuất tôn và sản xuất tôn PU dạng ngói - một trong những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực sản xuất tôn lợp. Chính sách hỗ trợ đã tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục đổi mới công nghệ, nghiên cứu sáng tạo các giải pháp cải tiến, ứng dụng giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh. Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ sản xuất để kịp thời nắm bắt công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với thị trường”.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ chuyển đổi công nghệ hết sức nhanh chóng đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đầu tư đổi mới đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có trên 8.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm khoảng trên 95% tổng số doanh nghiệp đăng ký. Riêng về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có khoảng 3.000 doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp của tỉnh hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính còn khó khăn, dẫn đến hoạt động đổi mới công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số doanh nghiệp sử dụng các thiết bị công nghệ còn lạc hậu, việc đầu tư đổi mới công nghệ còn dàn trải do thiếu nguồn lực.
Để tiếp tục phát huy các ngành sản xuất công nghiệp có lợi thế của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, việc ban hành Nghị quyết mới là cần thiết. Dự kiến tại kỳ họp thứ Mười một, HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh sẽ trình tờ trình ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh, thay thế Nghị quyết số 28. Lĩnh vực, điều kiện hỗ trợ giữ nguyên 6 lĩnh vực theo Nghị quyết 28, riêng ngành công nghiệp chế biến giấy sẽ không hỗ trợ vì không khuyến khích phát triển đối với doanh nghiệp sản xuất giấy quy mô nhỏ. Về kinh phí hỗ trợ, giữ nguyên mức hỗ trợ đến 10% giá trị đổi mới công nghệ theo Nghị quyết 28/NQ-HĐND, tăng tổng kinh phí hỗ trợ tối đa từ 300 triệu/1 dự án lên 500 triệu đồng/1 dự án. Chỉ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ khi dự án đã triển khai thực hiện, doanh nghiệp lựa chọn công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, cấp kinh phí hỗ trợ khi dự án đã được nghiệm thu, vận hành sản xuất tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường.
Thông qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của tỉnh đã tăng cường sự phối hợp của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là ngành khoa học và công nghệ với các cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nói chung, khoa học và công nghệ nói riêng. Việc thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tự thân có nhu cầu đầu tư đổi mới, tăng hàm lượng chất xám trong hoạt động sản xuất kinh doanh.