Những doanh nhân tuổi Sửu nổi tiếng ở Việt Nam

Bằng tài năng, sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên, các doanh nhân tuổi Sửu đã gặt hái được những thành công lớn trong sự nghiệp ở nhiều lĩnh vực từ sản xuất thép, thủy sản, kinh doanh cà phê tới du lịch khách sạn.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát (1961 - Tân Sửu)

Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: Internet
Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: Internet.
Ông Trần Đình Long (sinh 1961) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong những doanh nhân tuổi Sửu thành đạt và là tỷ phú hàng đầu trong ngành thép Việt Nam.
Năm 2018, ông Trần Đình Long xếp thứ hạng 1756 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Nhưng sau đó năm 2019, ông bị rớt khỏi danh sách.
Tháng 10/2020, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng lên mức 1,3 tỷ USD nhờ cổ phiếu HPG tăng mạnh. Tho đó, ông Trần Đình Long chính thức trở lại danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes.

Thống kê của Forbes tại ngày 13/2/2021 cho thấy, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long đã lên tới 2 tỷ USD và là người giàu thứ 3 Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air).

Hãng tin Bloomberg mới đây có bài phỏng vấn ông Long, cho biết, khi ông thành lập Tập đoàn Hòa Phát  vào năm 1992, ông không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sắt thép. 

Bloomberg dẫn lời Chủ tịch HĐQT và nhà sáng lập của Hòa Phát hồi tưởng: "Những ngày đầu, tôi chỉ có niềm đam mê và không biết sợ là gì".

Cũng tại cuộc phỏng vấn này, ông Long nói rằng trở thành một trong những người giàu nhất đất nước không khiến cách sống của ông thay đổi nhiều: "Tôi vẫn cà phê cùng bạn mỗi ngày ở cùng một địa điểm đã gặp nhau từ 20 năm trước. Mọi thứ vẫn vậy".

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank (1973 - Quý Sửu) 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank là một trong những lãnh đạo ngân hàng tuổi Sửu có tiếng trong giới. Dấu ấn của bà thể hiện rõ nhất qua sự chuyển mình của Sacombank trong suốt chặng đường gần 4 năm tái cơ cấu từ 2017 đến nay.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: Sacombank.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank. Ảnh: Sacombank. 

30 tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp tại Sacombank với vị trí nhân viên kế toán. Trong suốt chục năm, bà gắn bó tại nhà băng này và làm qua các lĩnh vực tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ.

Giai đoạn 2013-2016, bà được giao phụ trách điều hành Sacombank khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là thị trường khó nhưng bà đã vượt qua thách thức giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực này. Năm 2016, bà làm Phó Tổng Giám đốc mảng xử lý nợ.

Một năm sau, bà Thạch Diễm chính thức làm Tổng Giám đốc ngân hàng khi Sacombank đang trong giai đoạn tái cấu trúc sau sáp nhập với Southern Bank. Đây là thời kỳ vị thế của Sacombank xuống dốc khi tới hơn 30% tài sản của nhà băng là tài sản có không sinh lời, nhân sự giỏi cũng bị lôi kéo.

Cùng với sự lèo lái của Chủ tịch ngân hàng Dương Công Minh, Sacombank đã có sự thay đổi lớn sau hơn 3 năm tái cấu trúc khi giảm được một nửa tài sản không sinh lời, khối nợ xấu dần được xử lý, hiệu quả kinh doanh của nhân viên gấp 18 lần trước tái cơ cấu. Đến năm 2020, Sacombank lãi trước thuế hơn 3.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,67% dù năm 2020 cũng là năm gặp khó khăn vì Covid-19.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Du lịch Thiên Minh (TMGroup) - (1973 - Quý Sửu) 
Ông Trần Trọng Kiên (sinh năm 1973) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Du lịch Thiên Minh (TMGroup) dù khá kín tiếng nhưng lại sở hữu thành tựu vô cùng đáng ngưỡng mộ.
TMGroup của ông Kiên thành lập năm 1994, chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và khách sạn. Hằng năm Thiên Minh đón chào khoảng 90,000 khách du lịch và phục vụ khoảng 200,000 khách lưu trú tại các khách sạn thuộc tập đoàn.
Năm 2011, Thiên Minh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)...
Năm 2019, doanh nhân Trần Trọng Kiên thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh. Ông Trần Trọng Kiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh.
Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trụ sở chính tại Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn (1961 - Tân Sửu)

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh.
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh.. (Ảnh: Internet)

Nữ doanh nhân gốc An Giang là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020. Bà Trương Thị Lệ Khanh là "nữ tướng" nổi danh trong lĩnh vực thủy sản.

Theo giới thiệu của Forbes, bà Trương Thị Lệ Khanh đã có một thập kỷ làm việc tại các công ty nhà nước trước khi thành lập Vĩnh Hoàn vào năm 1997.

Sau khi ra trường, bà Khanh từng được Nhà nước phân công làm tại một công ty xuất khẩu của huyện, nhưng sau đó bà đã quyết định nghỉ việc và ra ngoài làm riêng.

Với vốn ban đầu 70 triệu đồng và hơn 70 công nhân, đến nay, bà Trương Thị Lê Khanh đã xây dựng Vĩnh Hoàn trở thành một trong những tập đoàn thủy sản hàng đầu với tổng tài sản đạt gần 6.000 tỷ đồng, doanh thu, lợi nhuận hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Là một doanh nhân có tầm nhìn rộng và tư duy mở, bà Trương Thị Lệ Khanh từng chia sẻ với báo giới rằng, bà đặt tên Vĩnh Hoàn với ý nghĩa "Vĩnh là vĩnh viễn, hoàn là hoàn cầu", bà mong Vĩnh Hoàn "mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới".

Bà hiện đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,5% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 36.650 đồng/cổ phiếu, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên đến hơn 2.900 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Du lịch Đại Nam (1961 - Tân Sửu)

Ông Huỳnh Uy Dũng thường được nhắc đến với biệt danh "Dũng lò vôi" - gắn với thuở lập nghiệp của vị doanh nhân giàu nghị lực.

Ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… đã giúp ông Dũng không những thoát khỏi cuộc sống nghèo khó mà còn tạo bước đệm để vị doanh nhân bước những bước cao hơn trên thương trường. Sau khi bán lò vôi, ông Dũng làm Giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ, sau này là Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ.

Trước khi tiếp nhận Công ty sơn mài Thanh Lễ, ông Dũng đưa ra điều kiện, nếu làm ăn thua lỗ ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại, công ty phải trích cho ông 10% tiền lời thu được. Kết quả, năm đầu tiên giữ cương vị giám đốc, lợi nhuận công ty vượt xa mong đợi.

Sự nghiệp về sau của ông Dũng "lò vôi" còn đạt rất nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ. Ông là "đại gia" nổi danh cả nước, song tháng 5/2020, ông bất ngờ tuyên bố ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng, để tập trung vào công việc thiện nguyện.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng Giám đốc TNI Coffee (1973 - Quý Sửu) 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng Giám đốc TNI Coffee
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng Giám đốc TNI Coffee. (Ảnh: Internet)

Sinh năm 1973 (Quý Sửu), bà Lê Hoàng Diệp Thảo là một trong những nữ doanh nhân có tiếng. Bà hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TNI Corporation với sản phẩm King Coffee.

TNI Corporation của doanh nhân Diệp Thảo là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hoà tan ở thị trường quốc tế. Ngoài trụ sở chính ở 198 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3 (TP HCM), TNI có 4 chi nhánh ở Mỹ, Úc, Singapore, Trung Quốc.

Năm 2018, bà Diệp Thảo đã trở thành diễn giả tại Diễn đàn CEO Allegra Coffee World London.Vừa qua, bà Thảo nhận giải thưởng Doanh nhân truyền cảm hứng toàn cầu (Most Admired CEO) năm 2020, từ Tạp chí Global Brands Magazine (GBM).

Cũng trong năm 2020, bà Thảo được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ IX (2017 - 2020).

Ngoài ra, thương trường Việt Nam còn chứng kiến sự thành công của rất nhiều doanh nhân tuổi Sửu khác như ông Nguyễn Hùng Minh - Phú Chủ tịch Thaco (1961), ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch Gelex (1961), ông Tân Xuân Hiến - Chủ tịch Điện Gia Lai (1961), bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - Đồng sáng lập, Chủ tịch Đầu tư Thương mại SMC (1961)…

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1973 còn có: Ông Trần Kinh Doanh - Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động; ông Philipp Rosler - từng là Phó Thủ tướng Đức, sau khi rời chính trường, ông đang là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, Thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời; ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai; ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc Masan Consumer;...

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1985 cũng tài năng không kém với bà Trần Thị Thu Hằng - Thành viên HĐQT Kienlongbank, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine, Chủ tịch Đầu tư SIPT; ông Lê Quang Nhuận - Tổng Giám đốc Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII); bà La Bùi Hồng Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nhựa Ngọc Nghĩa…

 TH

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542