Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài 2021 trên toàn quốc.
Theo đó, từ ngày 1 - 8/3, các địa phương vận động cán bộ Hội LHPN Việt Nam, nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động thiết thực, đa dạng, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương... nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài và phụ nữ Việt Nam.
Năm 2020, chuỗi sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa.
Trước đó, cuối năm 2020, Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo "Tham vấn về lấy ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài" tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, đây là hoạt động quan trọng, đưa ra những đề xuất để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục vào cuộc nhằm tôn vinh Áo dài Việt Nam bằng giá trị pháp lý, làm căn cứ để tiến hành các thủ tục trong việc công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về áo dài của hàng triệu người dân và phụ nữ Việt Nam đã góp phần khẳng định vị thế áo dài trong đời sống xã hội. Do đó, áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”, bà Bùi Thị Hòa khẳng định.
Hiện nay, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh lập hồ sơ đưa áo dài vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần nghĩ tới việc làm hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Phản hồi
Người gửi / điện thoại