Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Là một trong 06 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, Trung du và Miền núi phía Bắc là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Vùng chưa tương xứng với tiềm năng, vì vậy rất cần sự định hướng sát sao hơn nữa của Đảng và Nhà nước cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để góp phần phát huy lợi thế kinh tế của Vùng, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp trong vùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tạo hiệu quả lan tỏa cho Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Ban kinh Tế Trung ương; UBND tỉnh Phú Thọ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổ chức Diễn đàn: Đầu tư phát triển trung du và miền núi phía Bắc.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khai mạc Diễn đàn
Ông Mã A Lệnh phát biểu
Củ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu chào mừng.
Tới tham dự chương trình, về phía lãnh đạo các bộ ngành TW có: Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.
Về phía các đơn vị chỉ đạo tổ chức thực hiện có: PGS TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban, Ban Kinh tế TƯ; TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch thường trực VCCI.
Về phía các tỉnh thành Trung du và Miền núi phía Bắc có: Ông Chẩu Văn Lâm - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh Tuyên Quang; Ông Đỗ Đức Duy, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh Yên Bái; Ông Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH TW Đảng , Bí Thư tỉnh Hòa Bình; Ông Ngô Văn Tuấn – Bí thư Hoà Bình; Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; Ông Nguyễn Long Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; Ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Về phía tỉnh Phú Thọ có: Ông Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía các tổ chức quốc tế có sự tham dự của Tham tán Đại sứ quán Kazakhstan; Bí thư thứ hai Phòng kinh tế thương mại Đại sứ quán Lào.
Về phía các chuyên gia có: Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng - Tổng Cục trưởng Cục Thống Kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch – Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT); Ông Lê Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp có các Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc. Hơn 200 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các doanh nghiệp của 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc cùng đông đảo các phóng viên báo chí đã đến tham dự và đưa tin.
Đại biểu HH DNNVV tỉnh Phú Thọ có ông Nguyễn Hồng Sơn- Chủ tịch HH đến dự và có văn bản tham luận theo yêu cầu của Ban Tổ chức (Xem nội dung tham luận cuối bài này).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, báo chí quốc tế nói đến cạnh tranh và hội nhập, còn ở trong nước, chúng ta cũng nói nhiều về cạnh tranh và hợp tác phát triển. "Cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của vấn đề, nâng cao năng lực canh tranh là để hợp tác tốt hơn. Không ai có năng lực cạnh tranh tốt nếu như không có liên kết tốt" - Chủ tịch VCCI nói.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, thời gian qua chúng ta chỉ nói nhiều đến thi đua, cạnh tranh nhưng năng lực hợp tác đang rất yếu. Liên kết yếu là điểm nghẽn trong kinh tế Việt Nam.
Trong 16 năm qua, cùng dự án PCI và các hoạt động khác thì VCCI đã kết hợp cùng các địa phương để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, tăng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. VCCI đã có những nỗ lực bước đầu để liên kết vùng thông qua các chương trình thúc đẩy kinh tế vùng, hội đồng doanh nghiệp vùng, mạng lưới tổ chức xúc tiền đầu tư du lịch ở các vùng như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ... các hoạt động này mang lại kết quả bước đầu.
Chỉ số PCI của các địa phương đã được cải tiến nhiều năm qua nhưng tính liên kết vùng chưa được cải thiện bao nhiêu. "Tôi mong rằng sắp tới chỉ số năng lực cạnh tranh thì cần hơn nữa chỉ số liên kết vùng, chỉ số hợp tác" - ông Lộc nói.
Hiện nay các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hay các diễn đàn kinh tế, tổ chức xúc tiến hiện nay các địa phương chỉ tổ chức riêng lẻ, do vậy cần những hội nghị liên kết, diễn đàn chung. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, cần hơn nữa tầm nhìn vùng, tầm nhìn cả nước, tổ chức hội nghị xúc tiến liên kết chung.
Do đó "chúng tôi mong muốn tiếp tục khởi động cả vùng để cộng hưởng, tích hợp cùng các địa phương. Chúng tôi hi vọng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc chung tay cùng chúng tôi để phát huy năng lực liên kết của các doanh nghiệp".
Riêng Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc chiếm gần 1/3 diện tích cả nước và có chiếm ¼ lượng vốn đầu tư của nhà nước mỗi năm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng trũng của việc phát triển, một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Nguy cơ tụt hậu của vùng ngày càng lớn.
Và một trong những lý do là lực lượng doanh nghiệp trong vùng còn chưa phát triển, mật độ doanh nghiệp của vùng chưa bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Và có tới 8 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc góp mặt trong nhóm 10 tỉnh có số doanh nghiệp hoạt động thấp nhất cả nước. Trong xếp hạng PCI của VCCI, đa số các tỉnh thuộc vùng này nằm ở trong nhóm khá và trung bình, trong 10 tỉnh có xếp hạng thấp nhất thì có 5 tỉnh thuộc vùng này.
Do đó, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng cần hoàn thiện các quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa thành công của sự phát triển của vùng.
Vấn đề hoàn thiện các quy hoạch phát triển, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cần lưu ý đến liên kết chuỗi trong vùng, trong việc hình hành các khu kinh tế và các dự án phát triển. Ví dụ cơ chế hình thành phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn hài hòa với phát triển nông nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái tâm linh; đồng thời tận dụng lợi thế cửa khẩu để phát triển kinh tế cửa khẩu.
__________________
5 vấn đề cần làm tốt để doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế- xã hội Trung du, miền núi phía Bắc (*)
(Trích tham luận của ông Nguyễn Hồng Sơn- Chủ tịch HH DNNVV tỉnh Phú Thọ).
...Trước hết cho phép tôi được thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ xin gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể Hội nghị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Dịch Covid-19 bùng phát làm cho thị trường hàng hóa bị ngưng trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc đóng thuế theo quy định, đóng BHXH cho công nhân lao động, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; Ngoài các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì hoạt động của các cơ sở kinh doanh vận tải, lưu trú, ăn uống, dịch vụ, du lịch giảm mạnh, nhiều cơ sở phải cắt giảm lao động.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn. Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất- kinh doanh trong thời kỳ Covid - 19 với các nội dung dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phươngtiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bởi đây là những chính sách (1) rất kịp thời, có ý nghĩa lớn trong việc tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi triển khai thực hiện là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì phải thực hiện rất nhiều yêu cầu, thủ tục để tiếp cận các chính sách và gói hỗ trợ đó.
Cụ thể khi triển khai thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước “về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã rà soát đánh giá mức độ thiệt hại và chủ động làm việc, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp và người dân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng là 11.116 tỷ đồng. Tính đến 20/11/2020 các Ngân hàng, tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất, cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để đồng hành, chia sẻ khó khăn cho 1.080 khách hàng, với dư nợ 3.784 tỷ đồng, tổng số tiền lãi đã giảm là 72,1 tỷ đồng(trong đó có 223 khách hàng là doanh nghiệp được hỗ trợ là, với dư nợ được hỗ trợ là 3.195 tỷ đồng, số tiền lãi đã giảm là 64,4 tỷ). Như vậy nếu so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 8.000 doanh nghiệp, thì số dư nợ được hỗ trợ này còn khá khiêm tốn và chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.
Thứ hai, UBND các tỉnh, thành nói chung cần nghiên cứu, chỉ đạo, ban hành Kế hoạch về hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn từng địa phương trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các nội dung như: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng (logo) hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm bằng các loại hình marketing như: Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, sản xuất phim thương hiệu, xây dựng Website, truyền thông online, in ấn các sản phẩm truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp,...Để qua đó thu hút sự quan tâm, tạo được sự chuyển biến từ nhận thức tới hành động của doanh nghiệp về phát triển và xây dựng thương hiệu mạnh trên địa bàn từng tỉnh, thành trong cả nước.
Thứ ba,cấp ủy, chính quyền các địa phương nói chung tỉnh Phú Thọ nói riêng cần chủ động và mở rộng hơn nữa trong hoạt động xúc tiến đầu tư (hướng đến các nhà đầu tư mới, tiềm năng: Nhật Bản, Úc, các nước Châu Âu,…), nâng cao tính chuyên nghiệp và đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, có định hướng vào các dự án đầu tư vào các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ; đầu tư sản xuất gắn liền với chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp; sản xuất hàng tiêu dùng; dịch vụ du lịch, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao,...Tăng cường công tác quảng bá và giới thiệu các tiềm năng và lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu. Định kỳ gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Thứ tư,Tập trung thu hút các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, khuyến khích các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp; các dự án khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ có lợi thế. Để thông qua đó huy động các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam tham gia chứ không chỉ nhà đầu tư nước ngoài; có chính sách thỏa đáng cho các dự án thuộc tĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản, áp dụng công nghệ cao, các dự án đầu tư trồng và chế biến chè, gỗ; sản xuất giống, cây ăn quả, cây con có năng suất, giá trị kinh tế cao.
Thứ năm, từng bước hệ thống hóa thể chế, cơ chế chính sách quản lý, thu hút đầu tư như:
- Đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư: xây dựng phương án giải quyết việc gia hạn dự án theo tinh thần, nếu nhà đầu tư có nguyện vọng thì được tự động gia hạn. Đồng thời, công bố công khai mọi quy trình, thời hạn, trách nhiệm xử lý các thủ tục đầu tư FDI, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về cải cách hành chính trong lĩnh vực này. Các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, rà soát lại các quy trình, thủ tục để xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tập trung một đầu mối thẩm định dự án…Đối với công việc quy hoạch, đề nghị các ngành nên thống nhất quy hoạch chung (theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội); hiện tại, mỗi ngành một quy hoạch ngành không thống nhất với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; làm mất nhiều thời gian và khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai các thỏa thuận với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành...
- Hoàn thiện chế độ kiểm tra, thanh tra: qui định cụ thể chế độ kiểm tra, thanh tra nhằm chấm dứt tình trạng kiểm tra tùy tiện, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đi đôi với áp dụng các chế tài đối với những doanh nghiệp FDI vi phạm pháp luật, nhất là ở các lĩnh vực chuyển giá, môi trường...
- Sửa đổi qui định việc thành lập, tổ chức, quản lý doanh nghiệp FDI: Đề xuất với các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết các vướng mắc về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, khi cổ phần hóa doanh nghiệp FDI theo hướng đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm cổ phần, có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài dùng tiền thu được do bán cổ phần để tái đầu tư ở Việt Nam, thay cho biện pháp cấm chuyển tiền ra ngoài nước. Cho phép các tập đoàn, công ty đa quốc gia có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam được thành lập công ty quản lý (holding company), quỹ đầu tư để điều hành chung và hỗ trợ các dự án của họ. Đối với những ngành nghề, những lĩnh vực nhà nước cần nắm cổ phần chi phối cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua đến 40% cổ phần,...
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, để giúp các doanh nghiệp phát triển, thay mặt Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ tôi xin có một số kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan ban ngành Trung ương. Cụ thể:
- Tiếp tục xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung hơn nữa việc thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm phát triển các thành phần kinh tế của khu vực.
- Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ Phát triển vùng kinh tế động lực theo định hướng không gian, phát triển kết nối vùng kinh tế khu vực Trung du miền núi phía Bắc, tầm nhìn đến năm 2030.
(*) Đầu đề tham luận do BBT đặt