Dưới đây là vài nét chân dung nữ doanh nhân - thành viên Hiệp hội DNNVV Phú Thọ mà tôi từng được tiếp xúc, trò chuyện.
NGUYỄN THỊ TÂM - MỘT SỰ NGHIỆP VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG & NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Tôi biết Nguyễn Thị Tâm – Tổng giám đốc Công ty CP Giống, VTNN công nghệ cao Việt Nam từ thuở chị còn làm ở Trung tâm Giống Vũ Di thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú. Khi chia tách tỉnh, chị cùng mấy anh chị em từ Vĩnh Tường về Trạm Giống cây trồng thuộc Công ty Vật tư nông nghiệp Phú Thọ.
DN Nguyễn Thị Tâm trong phòng nuôi cấy mô và tại Xí nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ít lâu sau, do tính cấp thiết của vấn đề giống, nhất là giống cây lương thực, Nguyễn Thị Tâm được cử làm Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng mới được tỉnh thành lập, cùng với Trung tâm Thủy sản, Trung tâm Giống Gia súc. Về sau, do sớm tiếp cận xu thế cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi thành Công ty CP Giống - VTNN công nghệ cao Việt Nam, mở ra trang mới cho lịch sử phát triển của doanh nghiệp.
Có thể khẳng định: Sự phát triển của nông nghiệp Phú Thọ có phần đóng góp của Công ty CP Giống -VTNN công nghệ cao Việt Nam mà Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Tâm là cánh chim đầu đàn. Và, cũng cần khẳng định, nếu không sớm thực hiện cổ phần hóa thì Trung tâm Giống chắc chắn sẽ không khác gì số phận của Trung tâm Thủy sản và Trung tâm Giống gia súc – nghĩa là phải giải thể, đất đai, cơ sở vật chất bị bán, giờ chẳng còn dấu tích gì của một đơn vị sự nghiệp khoa học nông nghiệp!!!
Bằng chọn lọc, thuần hóa, lai tạo, nhiều giống lúa, giống ngô và các giống cây trồng chất lượng tốt, năng suất cao đã được Công ty cung ứng cho nông dân, tạo ra bước đột phá về năng suất, sản lượng lương thực. Những năm gần đây, với mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp và liên kết với nông dân; với đội ngũ cán bộ KHKT có trình độ và tâm huyết; Công ty đã tiếp cận, nghiên cứu thành công, ứng dụng hiệu quả nhiều tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống, mô hình nông nghiệp hữu cơ; là một trong chuỗi liên kết “4 nhà” không thể thiếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Bốn mươi năm gắn bó cùng ngành nông nghiệp, cũng là từng ấy năm chị gắn bó với lĩnh vực giống cây trồng với đủ cung bậc thăng trầm nhưng đã gặt hái nhiều thành công, đủ để tạo dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp. Không còn trẻ nhưng chị vẫn đủ nhanh nhậy để nắm bắt, tìm tòi cái mới, đón đầu các thành tựu khoa học - công nghệ và tiếp cận để bắt nhịp quá trình chuyển đổi số trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Tâm đã hai lần được thay mặt Công ty lên bục nhận Giải thưởng Bông Lúa Vàng của Bộ Nông nghiệp &PTNT và UBND tỉnh Phú Thọ công nhận Gạo JO2 và Dưa lưới Nhật là sản phẩm OCOP 4 sao. Xác lập được vị trí của mình trong sự phát triển của nông nghiệp, chị được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần tặng Bằng khen.
Tôi nghĩ rằng, với Tổng giám đốc Công ty CP Giống- VTNNCNC Việt Nam Nguyễn Thị Tâm, giống cây trồng và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là cả sự nghiệp của chị - một doanh nhân được các thành viên Hiệp hội DNNVV tỉnh, Hội nữ Doanh nhân đất Tổ trân trọng và tín nhiệm trong vai trò Phó Chủ tịch.
DƯƠNG THỊ TỴ- DOANH NHÂN GIẦU LÒNG NHÂN ÁI
Đã từ lâu, thương hiệu “Chè Đức Tỵ” trở nên quen thuộc với thị trường. Những búp chè xanh mướt từ những nương đồi Phù Ninh, Đoan Hùng theo chân người nông dân về nhà máy, bằng dây chuyền máy móc và công nghệ hiện đại, đã trở thành những cánh chè cho hương vị hảo hạng, để người thưởng thức khó quên vùng quê “rừng cọ, đồi chè” ven sông Lô đã từng đi vào lịch sử.
Chị Dương Thị Tỵ (bên phải) trong một lần thăm, tặng quà Mẹ VNAH ở thị trấn Phong Châu
Phút lãng mạn cùng hoa.
Tham gia và giữ cương vị lãnh đạo đồng thời Hội Doanh nhân huyện Đoan Hùng, Hội Doanh nghiệp huyện Phù Ninh, Hội Nữ doanh nhân Phú Thọ, Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh và là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, chị Dương Thị Tỵ - Giám đốc Công ty Chè Đức Tỵ - là một trong những người luôn gương mẫu hưởng ứng các hoạt động vì an sinh xã hội.
Là doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng hầu như các chương trình vận động ủng hộ, tặng quà và các hoạt động an sinh xã hội nào của tỉnh, của huyện, của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, hay do các hội, hiệp hội phát động…, Dương Thị Tỵ đều nhiệt tình tham gia. Tính ra, mỗi năm số tiền mà Công ty chè Đức Tỵ đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện phải tới hàng trăm triệu đồng.
Có thể con số ấy chưa phải là nhiều nhưng ngoài giá trị vật chất, nó còn là sự gửi gắm tình cảm của người nữ doanh nhân với quê hương Đoan Hùng, với quê chồng Phù Ninh; là sự tri ân những người nông dân, công nhân nông nghiệp hai sương một nắng với cây chè. Có thể đây cũng là một trong những lý do để ngoài duy trì cơ sở chế biến ở Tây Cốc - Đoan Hùng, Công ty Đức Tỵ còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy có công nghệ hiện đại ở vùng chè Tiên Phú- Phù Ninh?
Từ nhà giáo chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, dù phải bươn trải thương trường nhưng ở Dương Thị Tỵ vẫn đầy đặn sự mực thước của nghề sư phạm, từ lời ăn tiếng nói đến sinh hoạt thường ngày. Mỗi lần đi làm từ thiện, dù vật chất thế nào chị cũng nhẹ nhàng gửi gắm lòng mình với tâm niệm: Của cho không bằng cách cho. Vậy nên, ai đã từng gặp chị, dù chính khách hay người nghèo, dù chỉ một lần cũng khó có thể lãng quên hình ảnh người nữ doanh nhân giầu lồng nhân ái.
TẠ THỊ HOA - HẠNH PHÚC LÀ SỰ SẺ CHIA
Không đệm, lót cầu kỳ, chỉ là Tạ Thị Hoa, nhưng đó vẫn là cái tên đẹp mộc mạc. Chị là Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Công ty TNHH Linh Hoàng, có trụ sở tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ.
Tạ Thị Hoa trong một lần trao bò giống cho hộ nghèo.
Hình ảnh chi trên bìa Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở quê đồi Vũ Yển, huyện Thanh Ba, Tạ Thị Hoa có một tuổi thơ đầy nhọc nhằn. 19 tuổi, cô gái nông thôn về làm dâu thị xã. Nhà chồng cũng khó khăn, nên họ sớm ra ở riêng. Sau ngày vu quy, cô dâu mới chọn nghề bán kem làm kế sinh nhai. Bắt đầu là vậy, rồi làm đủ nghề, tích cóp từng đồng, rồi cũng đến lúc cô Hoa trở thành bà chủ của một khách sạn, nhà hàng ăn uống mang tên Linh Hoàng và nay là Công ty TNHH Linh Hoàng chuyên về thi công xây dựng, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cầu, cống...
Một đồng chí lãnh đạo xã Hà Lộc chia sẻ với tôi: -Gia đình chị Tạ Thị Hoa và công ty Linh Hoàng luôn chấp hành tốt nghĩa vụ kinh doanh và trách nhiệm công dân. Hơn thế, Linh Hoàng còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì an sinh xã hội.
Hơn chục năm nay, nhiều gia đình khó khăn, nhiều số phận kém may mắn đã là "điểm đến" của chị. Ai thực sự yếu thế, chị giúp đỡ thường xuyên; gia cảnh nào gieo neo, năm giúp một đôi lần, chủ yếu là tạo sinh kế để họ thoát nghèo. Một người phụ nữ nghèo mắc chứng tâm thần ở xã Thanh Minh, 17 năm nay, hàng tháng đều đặn nhận được lương thực, thực phẩm từ Linh Hoàng. Một chục cặp bò sinh sản từ tay chị đã đến với hộ nghèo ở quê hương Vũ Yển và vùng ngoại thị Phú Thọ cùng 2 triệu đồng cho mỗi hộ để làm chuồng trại. Thôn xóm nào cần đường giao thông, khu dân cư nào thiếu nhà văn hóa, lớp mầm non...thì chị Hoa tìm đến tận nơi khảo sát, hướng giúp đỡ cụ thể. Những tết gần đây, đồng hành với Báo Phú Thọ mang “Tết đến mọi nhà”, với Đài PTTH Phú Thọ trong chương trình “Xuân Yêu thương”, mối năm Linh Hoàng mang đến hàng nghìn suất quà, mỗi suất trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng để giúp hộ khó khăn; tặng học bổng, xe đạp cho học sinh hiếu học ở thị xã Phú Thọ và các vùng quê; góp tiền làm đường vào chùa Phúc Khánh xã Hiền Quan, cung tiến Đền thờ vua Lý Nam Đế ở huyện Tam Nông... Qua “Quỹ Tấm lòng Việt” của VTV, gia đình chị đã giúp anh Hoàng Văn Thấn (xã Phú Ninh huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang) bị tàn phế do tai nạn lao động và chị Lê Thị Nga (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông) bị tàn tật bẩm sinh, mỗi gia đình 100 triệu đồng để xây cất nhà mới.
Duy trì sản xuất kinh doanh, tạm gác lại các dự định chi tiêu chưa cần thiết, hàng năm, chị Tạ Thị Hoa dành số tiền từ 1-1,5 tỷ đồng làm thiện nguyện. Với chị, ngoài con cháu khỏe mạnh, thiện lương, khái niệm hạnh phúc còn còn có nội dung mang đến niềm vui cho nhiều người - Hạnh phúc là san sẻ yêu thương! Học nhân ái từ mẹ, giờ đây gái đầu của chị - doanh nhân trẻ Dương Thị Trang đang nối tiếp hành trình thiện nguyện với suy nghĩ giản dị: Cho đi là còn mãi….
BÙI THỊ MÃO: GẦN 30 NĂM GẮN BÓ VỚI NGHỀ CHÈ
Cây chè đã có mặt trên vùng đất Thanh Ba hàng trăm năm nay, nhưng một trong những người có công phát triển cây chè và thương hiệu chè Thanh Ba phải kể đến doanh nhân Bùi Thị Mão và Công ty TNHH chè Hoài Trung có trụ sở chính tại khu 9, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.
Bùi Thị Mão bên gian trưng bày sản phẩm chè Hoài Trung tại một triển lãm thành tự nông nghiệp...
...Và phút thăng hoa cùng âm thanh và ánh sáng.
Để chè xanh trở thành thương hiệu chè tiêu biểu của Thanh Ba nói riêng và Phú Thọ nói chung, ngoài công sức của người trồng chè, phải kể đến đóng góp của Công ty TNHH Chè Hoài Trung mà đứng đầu là doanh nhân- giám đốc Bùi Thị Mão.
Tâm huyết với sản xuất và chế biến chè, những năm gần đây, Công ty TNHH Chè Hoài Trung đã đưa ra thị trường sản phẩm chè xanh giống mới đậm đà hương vị trung du. Với hệ thống máy móc, công nghệ mới, sản phẩm Chè xanh Hoài Trung được đóng gói trong túi lưới lọc tam giác, nhỏ, tiện dụng, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhanh, gọn, sạch từ khâu pha chế đến khâu bỏ bã, rất tiện dụng cả ở tại cơ quan, công sở và các gia đình.
Mấy chục năm hình thành và phát triển, không ngừng nâng cao uy tín, giữ vững và phát triển thương hiệu, Công ty TNHH Chè Hoài Trung đã góp phần cùng ngành chế biến nông sản Phú Thọ nói chung, ngành chế biến chè nói riêng ngày một trưởng thành; chè xanh Phú Thọ trở thành thương hiệu uy tín, khẳng định vị thế hiện tại và vươn lên trong tương lai.
Sinh ra trên quê hương Chí Tiên - Thanh Ba, gắn bó với Công ty chè Hoài Trung từ ngày đầu khởi nghiệp, doanh nhân Bùi Thị Mão, lúc nào cũng tâm huyết với cây chè, với sản phẩm chè và người làm chè. Gần gũi, vị tha trong cuộc sống; luôn hoan hỉ, bằng lòng với mọi điều trong cuộc sống, nhưng trong quản lý, Bùi Thị Mão khá nghiêm khắc, luôn yêu cầu tuân thủ các quy định, quy chế; luôn chú ý cải tiến quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến đến khâu tiêu thụ để tạo ra sản phẩm chất lượng. Vậy nên, hộp chè Hoài Trung xinh xắn đã có tên trong các sản phẩm du lịch đất Tổ, được nhiều cơ quan, đơn vị chọn lựa làm vật phẩm tặng khách phương xa.
Dù chỉ một lần được thưởng thức chén trà Hoài Trung, hay gặp gỡ Bùi Thị Mão, khách khó có thể quên hương vị trung du cùng nụ cười sởi lởi, hồn nhiên của nữ doanh nhân. Là ủy viên nhiệt thành trong BCH Hội LHPN huyện, chị Mão còn gánh vác trách nhiệm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thanh Ba, Ủy viên BCH Hiệp hội DNNVV tỉnh. Chị cùng ban lãnh đạo Hội, Hiệp hội tổ chức, động viên các doanh nghiệp cùng phát triển sản xuất – kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và trách nhiệm xã hội.
Dù đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, hàng nghìn tấn sản phẩm chưa thể lưu thông, tiêu thụ nhưng Hoài Trung cũng như các doanh nghiệp làm chè luôn vững tin ở tương lai. Khó khan cũng không thể làm tắt nụ cười cùng nét hồn nhiên mang tên Bùi Thị Mão.
Bài và ảnh: NGUYỄN SẢN
Người gửi / điện thoại