Tham dự, chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung. Cùng với đó còn có đông đảo đại biểu tham gia Hội nghị trực tiếp và trực tuyến là đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện, Trung tâm Khuyến công, đại diện các hiệp hội ngành hàng, Liên minh HTX, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu tại 63 điểm cầu thuộc các tỉnh thành trên cả nước và nhiều cơ quan thông tấn báo chí...
Khai mạc Hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã thông qua Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác khuyến công thời gian qua; định hướng các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến công giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Cục trưởng nhấn mạnh: “Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế. Cả nước đang nỗ lực cao nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) và địa phương năm 2021 tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất thích ứng với tình đại dịch còn diễn biến phức tạp...”.
Với bối cảnh đó, kết quả năm 2021 – năm đầu tiên thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tổng kinh phí khuyến công của cả nước có được là 338 tỷ đồng (trong đó, kế hoạch kinh phí KCQG là 150 tỷ đồng; Khuyến công địa phương – KCĐP là 188 tỷ đồng). Đây là con số kinh phí cho thấy nguồn chi ngân sách Nhà nước còn khó khăn bởi có sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Do đó, đối với Chương trình KCQG chỉ được giao 75,641 tỷ đồng (số này phân bổ cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công và Trung tâm Khuyến công – Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt 50% tổng dự toán 2021, giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020). Cũng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nên các hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, mặc dù các địa phương trên cả nước đã hết sức nỗ lực, tích cực triển khai chương trình khuyến công địa phương năm 2021 – năm đầu tiên của giai đoạn mới. Trước khó khăn đó, Bộ Công Thương cũng như Cục Công Thương địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị Quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ và nhiều chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhằm góp phần kịp thời tháo gỡ, giảm thiểu nguy cơ giải thể, phá sản, vướng mắc… cho các thành phần đơn vị. Từ đó, giúp các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở CNNT, hộ kinh doanh tập trung khôi phục, giữ ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho đến nay.
Riêng đối với nội dung bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, do đặc thù cần thiết động viên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, Bộ Công Thương đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ tư. Kỳ bình chọn cấp quốc gia năm 2021 có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay với (310 sản phẩm) của 58/63 tỉnh, thành phố gửi đăng ký tham gia. Trong đó, nhóm thủ công mỹ nghệ: 52 sản phẩm; nhóm chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm: 194 sản phẩm; nhóm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí: 33 sản phẩm, nhóm khác: 31 sản phẩm. Các sản phẩm đăng ký tham gia đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đặc biệt trong nhóm chế biến nông lâm thủy sản…
Cũng tại Hội nghị, hầu hết các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh thành đều nhất trí và đánh giá cao với Báo cáo kết quả thực hiện công tác khuyến công thời gian qua và định hướng thời gian tới. Nhiều đại biểu là đại diện Sở Công Thương các tỉnh như Hà Nội, Bến Tre, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình,… đã có tham luận sôi nổi. Theo đó, năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành Công Thương cả nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hoạt động khuyến công nhằm thực hiện tốt nhất kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới. Trong đó, các chương trình khuyến công tiếp tục bám sát những mục tiêu theo: Quyết định 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 - 2025;…
Các đơn vị nhận Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội.
Kết thúc Hội nghị, Bộ Công Thương đã tổ chức trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020 và công bố, trao Giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Lãnh đạo Sở Công Thương chúc mừng Công ty Chè Hoài Trung
Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty Chè Hoài Trung nhận chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quốc gia năm 2021.
Tại điểm cầu Sở Công Thương Phú Thọ, trong số các cơ sở của tỉnh Phú Thọ có sản phẩm được chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia năm 2021 có sản phẩm chè nhúng túi lọc của Công ty TNHH Chè Hoài Trung - huyện Thanh Ba.
NGUYỄN SẢN
Người gửi / điện thoại