SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VƯỢT KHÓ

Trong năm 2021, các ngành nói chung và ngành công nghiệp nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nhờ sáng tạo, linh hoạt và chủ động triển khai các biện pháp, Phú Thọ đã tạo nên những đột phá, đưa ngành công nghiệp tăng trưởng ấn tượng.

 

 Tính riêng trong tháng 12, ngành dệt may tăng 8,41% so với cùng kỳ năm 2021


Trong điều kiện bị tác động của đại dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao so với đầu năm; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, có một số ngành, sản phẩm chủ lực bị tác động đứt gãy chuỗi cung ứng, hủy đơn hàng, lượng hàng tồn kho tăng, như: bia, vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến chè, lắp ráp điện tử ,… Các sản phẩm chủ yếu bị tác động, sản lượng giảm, như: Bia giảm 10%, chè chế biến giảm 8,5%, phân bón hóa học giảm 7%, gạch ceramic giảm 7,9% so với năm 2020. Trước tình hình trên, ngay từ cuối năm 2020, tranh thủ đà phục hồi của thị trường, các doanh nghiệp đã có cố gắng, nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định được lực lượng lao động; triển khai nhiều sáng kiến khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt, tổ chức sản xuất, sinh hoạt tại chỗ, cố gắng đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất,… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án, bổ sung năng lực mới tăng thêm của các doanh nghiệp FDI để bù đắp sụt giảm ngành hàng, sản phẩm chủ lực trong nước. Nhờ đó, quy mô sản xuất công nghiệp năm 2021 cơ bản được giữ vững, duy trì đà tăng trưởng.

Năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,2%.


Công nhân công ty Hwa Sung Vina, khu Công nghiệp Cẩm Khê đang thực hiện lắp ráp linh kiện điện tử

 Là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất, kinh doanh vải bạt PEPP, năm 2021, doanh thu Công ty Kapstex Vina (KCN Thụy Vân, TP Việt Trì) đạt 866 tỉ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 6,9 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho 440 lao động.


Ông Nguyễn Thành Đông – Trưởng Phòng nhân sự, Công ty TNHH Kaps Tex Vina cho biết: Để ổn định và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, công ty đã linh hoạt trong điều hành, tổ chức sản xuất; yêu cầu 100% người lao động thực hiện tốt quy định 5K; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất; điều động bố trí lao động, thiết bị máy móc phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm sản xuất kinh doanh phù hợp, đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống để giữ chân lao động. Nhờ đó sản lượng sản xuất năm 2021 đạt 16.000/12.000 tấn, đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dịch bệnh COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân được thực hiện đồng bộ và linh hoạt. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ra mắt kênh trao đổi thông tin “Phú Thọ với Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Tình trạng ách tắc trong vận chuyển hàng hóa được quan tâm chỉ đạo tháo gỡ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có những chính sách hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 76 doanh nghiệp với số tiền là 1.433 tỷ đồng... Nhờ đó đã tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển sản xuất trong tình hình mới.

Dự báo trong năm 2022, dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu, Cụm công nghiệp; hỗ trợ kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư để các dự án sớm đi vào hoạt động. 

Tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đặc biệt coi trọng các lĩnh vực như: Cung cấp thông tin về thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại; xuất, nhập khẩu hàng hoá; tuyên truyền sâu rộng về cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Liên kết, trao đổi thông tin với các địa phương trong nước nhằm tạo cơ chế phối hợp trong công tác quản lý phát triển ngành, lĩnh vực; Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu. Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542