Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Chính phủ  tác động tích cực đến SXKD của doanh nghiệp

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên chạm mốc 15.000; nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số tham gia thị trường trong tháng 4-2022 gấp hơn 2 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 


 z3462032065657_ca544d2be16f780ebd9860ac63bafa08_2

z3462034593386_674b21d544be07cb4d54207ec0beb561

Ông Nguyễn Kim Hùng tiếp và trao đổi về chuyển đổi số với BCH HH DNNVV tỉnh Phú Thọ (7-2021)

Số liệu này mà Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy sự tin tưởng và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 61,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%. Nếu tính cả 1.345,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 là 1.980,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với vốn doanh nghiệp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh nên trong 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Có được điều này, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, không thể không kể đến vai trò của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Tuy dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước, nhưng cuộc xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na chưa có dấu hiệu hạ nhiệt lại tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực.

z3462058038518_386d834b90c5412820b08b3a656c3ddb

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thăm các DN chuyển đổi số thuộc HH DNNVV tỉnh

z3462065112618_300333ad15ad0a8db6a16eb9fbc405cb

Lãnh đạo HH đồng hành cùng lãnh đạo DN trong sản xuất- kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực.

Đại dịch Covid-19 tạo nên một cuộc khủng hoảng. Sau khủng hoảng này, tôi cho rằng các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, lịch sử hình thành, đều “bình đẳng” trên một vạch xuất phát. Từ môn Điền kinh ở Sea Games 31, tôi liên tưởng đến cuộc xuất phát này: Doanh nghiệp nào bật lên nhanh thì lấy lại được thị trường. Muốn xuất phát nhanh, phải chuẩn bị từ sớm, từ xa và cần có sức bật mạnh từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Và, ở thời điểm này, hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế phụ thuộc vào quy mô gói hỗ trợ và tốc độ triển khai để kịp cứu doanh nghiệp trước khi phá sản. Khi tiếp xúc với chúng tôi,đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chính sách hỗ trợ cũng phải nhanh và hiệu quả như “chiến lược ngoại giao vắc-xin”. Bên cạnh đó, cần mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, nhất quán. Đây là những giải pháp  hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hậu Covid-19 và hệ lụy những xung đột quân sự trên thế giới.

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình là động thái kinh tế rất tích cực. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra với Chương trình này rất rõ ràng, đó là: Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Có nghĩa là chính phủ vẫn nhất quán mục tiêu chung là vừa ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, vừa đảm bảo phòng, chống dịch và an sinh xã hội hiệu quả.

Nhưng làm sao để Chương trình phục hồi với nguồn vốn gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 - 2023 đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất và có hiệu quả là mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là gói hỗ trợ lớn nên có thế tác động đến tất cả lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô. Vì vậy, gói hỗ trợ này cần nhanh chóng được triển khai, vì sau thời gian bị bào mòn sức lực bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tiếp cận được vốn sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển tốt hơn, và trong những tháng đầu năm thực tế đã chứng minh rõ điều này. Khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê: Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất da và các sản phẩm liên quan cùng tăng 12,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,7%; khai thác than cứng và than non tăng 9,3%...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vẫn có những điểm yếu mà doanh nghiệp phải đối mặt, như chuỗi cung ứng bị đứt gãy; chi phí logistics, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng…dẫn đến hiệu quả sản xuất- kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng. Nhìn nhận ở tầm vĩ mô, theo quan điểm của tôi, Chính phủ cần quan tâm khắc phục những bất cập trong tiến độ triển khai các gói hỗ trợ và sự đồng bộ giữa các giải pháp hỗ trợ, nhất là các giải pháp về tài chính để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó hạ thấp giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

z3462039587360_d4b7b6b0d20be03b013780ca367b2d6a

Ông Nguyễn Kim Hùng -Viện trưởng Viện KHQTDN và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Chuyên gia tài chính DN  - Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ

Là một chuyên gia tài chính doanh nghiệp, trong vai trò Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), tôi thấy rằng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ là giải pháp mở ra triển vọng phát triển sau 3 năm chúng ta phải vật lộn với đại dịch Covid-19. Có thể khẳng định, đây là gói hỗ trợ lớn và rất thiết thực trong bối cảnh hiện tại, tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Nhưng cơ hội sẽ vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ này không được thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, đối tượng hỗ trợ cần minh bạch, có giám sát và triển khai càng sớm càng tốt trên các lĩnh vực, từ phục hồi lao động cho đến kích thích bằng hỗ trợ lãi suất, thuế cho doanh nghiệp…

Chẳng hạn, chủ trương tiếp tục hỗ trợ lãi suất và giảm thuế VAT 2% sẽ thực sự là liều thuốc hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong muốn việc triển khai các giải pháp hỗ trợ - trong đó có việc giải ngân - cần phải nhanh chóng, vì hơn lúc nào hết, đây là thời gian doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất. Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội và miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm sẽ giúp rất nhiều doanh nghiệp giảm được một khoản chi phí đáng kể, có nguồn vốn sớm để phục hồi kinh doanh. Và, trên bình diện quốc gia, đây còn là giải pháp để kiềm chế nguy cơ lạm phát, lãnh mạnh hóa thị trường tiền tệ.

Thực tế đã chứng minh: Chính sách hỗ trợ “đúng” và “trúng” sẽ là động lực cho sự phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là con đường ngắn nhất để chính sách đi vào cuộc sống.

Với các giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đặt ra là: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; kinh tế - xã hội nước ta sẽ có chuyển biến rõ nét theo hướng tích cực với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng từ 6% trong năm 2022; các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn sau đại dịch để phát triển và hội nhập.

NGUYỄN KIM HÙNG

Viện trưởng Viện KHQTDN và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Chuyên gia tài chính DN  - Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542