TRƯỜNG SƠN, QUẢNG TRỊ - HÀNH TRÌNH TRI ÂN

Tháng bảy, trở về Trường Sơn – Quảng Trị  là hành trình tri ân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của các doanh nhân đất Tổ - Đó là một hành trình khó quên.

 

z3590192845288_d60ef8a5132d4313bb1cc52617189167

z3590056153498_9c023161f95058499fa7bdb4520c731b

Thế hệ chúng tôi, những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ai cũng thuộc không ít những bài ca về Trường Sơn. Những ca từ: Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây… Dừng lại lưng đèo mà nghe suối hát/ ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi…thật hào hùng và lãng mạn.

Trường Sơn ngày ấy là điểm đến của tuổi trẻ Việt Nam, là thước đo giá trị phẩm chất của thanh niên, bởi “Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó là chưa thấy mình”. Còn giờ đây khi đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một cuộc sống mới đang hiện diện; dòng người từ khắp mọi miền đất nước vẫn tìm về một Trường Sơn chiến trường xưa, để lại được đi trên con đường huyền thoại mang tên Bác, và mỗi người dường như đều muốn được nói một điều gì thiêng liêng với những người lính đang nằm trong lòng đất Trường Sơn…Trở về Trường Sơn - đó là cuộc trở về nguồn của cả một dân tộc để tìm thấy ở nơi này những giá trị đạo đức, những chân lý ứng xử: Không ai được quên quá khứ hào hùng của cha anh; mỗi người hãy biết cống hiến, hy sinh, hãy sống biết vì mọi người…

Chuyến về thăm viếng các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị năm nay của Đoàn Thường trực Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ là sự nối tiếp hành trình tri ân của các thế hệ người Việt Nam hôm nay đối với những người con yêu của Tổ quốc đã xả thân vì nghĩa lớn. Không còn phải đi đường mòn như hành quân ra trận như cha ông ta năm xưa từng đi, giờ đường đến Trường Sơn có thêm nhiều ngả rộng dài. Từ Bắc vào, ngoài Quốc lộ số 1 còn có đường Hồ Chí Minh mới mở thênh thang, có đường hàng không đến ga Đồng Hới – Quảng Bình hoặc sân bay Phú Bài ở Huế, tiện lợi vô cùng.

z3590195310441_6c0e73373e7543d8b45cf788a3ab6292

z3590053078196_ae62c38d8385c814e74b01c0ecb16154

z3590046405772_24fae83386a98d5caead5f1b7c2a07b8

Đoàn đâng hương Nghĩa trang Trường Sơn và tưởng niệm các chiến sĩ thành Cổ Quảng Trị, thắp hương các phần mộ liệt sĩ quê Vĩnh Phú.

z3590696063780_453c56ed5a2195c1f4f02d5b1a2efc75_1

Tấm lễ chân thành của doanh nhân đất Tổ kính dâng linh hồn các anh hùng, liệt sĩ.

z3597235735728_56caf82b01f1a6b1098a6a3c6e7dade2

Người phụ nữ Gio Linh 40 năm chăm sóc phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn

Tháng 7, Nghĩa Trang Trường Sơn như là điểm hội tụ của đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn”. Xe Sơn La, xe Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên; xe biển số các tỉnh phía nam…đổ về huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Các khách sạn ở đây đều chật chỗ. Chúng tôi đã gặp ở Đông Trường Sơn những hội đồng ngũ, những nhóm bạn chiến đấu đã từng sống chết cùng nhau trên các cao điểm trên dải đất bờ nam sông Bến Hải, các hội đồng hương một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ở miền Trung…Họ hành hương về thăm lại chiến trường xưa, đến viếng liệt sĩ ở các nghĩa trang, kết bè thả hương hoa xuống dòng sông Thạch Hãn, tưởng nhớ  những người thân yêu của mình. Các nghĩa trang, di tích chiến trường ở Quảng Trị - đặc biệt là khu thành cổ Quảng Trị - luôn có nhiều người đến thăm viếng. Bước qua  cổng khu di tích, đâu đó, bài hát Cỏ non thành cổ cứ khắc khoải như một lời nhắn nhủ: Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình / với người hy sinh trên mảnh đất này. Tôi có cảm giác chưa ở đâu mình được nghe bài hát ấy hay đến thế, mang lại cảm giác lạ lùng đến thế. Các đồng chí cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Trị; các nhân viên Ban Quản lý nghĩa trang, Ban quản lý di tích mà chúng tôi gặp cho biết: Với vị trí giới tuyến quân sự, lại giáp chiến trường Lào, Quảng Trị là nơi trước đây diễn ra những trận chiến đấu cực kỳ ác liệt. Hiện giờ trên đất Quảng Trị có tới 12 nghĩa trang với 52.000 mộ liệt sĩ đã được quy tập; trong đó số liệt sĩ của tỉnh là 4000. Ai có thể đoán được trong lòng dải đất hai bên Đông và Tây Trường Sơn này còn xương thịt của bao nhiêu chiến sĩ vô danh và hữu danh của chúng ta vẫn ẩn mình đâu đó? Mới có gần hai chục ngàn phần mộ liệt sĩ được quy tập về hai nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường số 9, còn biết bao người con yêu của các gia đình Việt Nam hy sinh đến giờ vẫn chưa xác định được vị trí hài cốt, dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc quy tập mộ liệt sĩ, đã “xã hội hóa” phong trào “đi tìm đồng đội”? Vẫn còn không ít những ông bố, bà mẹ, người vợ, người em, người con chưa biết được phần mộ người thân của mình ở nơi đâu trên các chiến trường B, C, K, họ đang đỏ mắt đợi chờ?

z3590062105255_213881b5c1f961ec9950d365c116881c

z3590042979348_572f2f07d8c7f6b1cb9471dbd0ff053f

Hành trình tri ân

Những thông tin trên bia mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn, những tư liệu tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cho thấy, đại đa số các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh tại đây đều rất trẻ, ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, có chiến sĩ hy sinh giữa phơi phới tuổi xuân 17, chưa hề biết đến yêu đương. Có phải bởi thế chăng mà Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Phú Thọ Dương Thị Tỵ đã kỳ công lựa đủ trăm nhành huệ trắng, thơm ngát hương quê, gói ghém cẩn thận từ nhà để cho lên máy bay mang vào Nghĩa Trang dâng lên đài tưởng niệm liệt sĩ? Cảm động thay, trước lúc đoàn lên đường, doanh nhân Nhạc Thị Lan - Giám đốc Công ty An Hoàng Hưng – con gái duy nhất của một liệt sĩ, đã gửi đoàn công tác chiếc phong bì đựng tiền, nhờ anh em chuyển đến Ban quản lý Nghĩa trang góp phần tu bổ các phần mộ! Không tham gia đoàn nhưng doanh nhân Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Hạ Hòa gửi theo 10 triệu đồng cùng tấm lòng tri ân, thành tâm. Ngoài phần đóng góp để tổ chức chuyến đi, các doanh nhân trong đoàn đều dành khoản tiền riêng để “công đức” nghĩa trang. Ngoài tấm lễ, hương hoa dâng người đã khuất theo phong tục cổ truyền, các doanh nhân Phú Thọ đã gửi số tiền 15 triệu đồng để Ban quản lý nghĩa trang, Di tích chăm lo hương khói cho các liệt sĩ hoặc tu sửa mộ chí…

z3590039307433_ebc344c71d8cdc8fc4b7cc8027e66cf6

Gặp lại hình ảnh thân thương của Phú Thọ giữa Trường Sơn

Trong rì rào vòm lá bồ đề sau tượng đài liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi nghe như có cả tiếng bước chân những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến năm xưa. Chúng tôi đã gặp nhiều đoàn đại biểu các cơ quan Trung ương, các địa phương, cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ đã về về “bảo tàng” mộ liệt sĩ Trường Sơn. Dường như các thành viên trong đoàn chúng tôi, như Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hồng Sơn quê huyện Thanh Thủy; các Phó Chủ tịch Đàm Đắc Tiến, Nguyễn Thế Anh quê huyện Thanh Ba; Phó chủ tịch Nguyễn Thị Tâm quê huyện Phù Ninh, Phó chủ tịch Dương Thị Tỵ quê Đoan Hùng…  ai cũng có thân nhân, người làng, người xã… đang nằm ở nghĩa trang này, trong khu mộ chí mà quê hương đã góp phần xây dựng. Nên mỗi người đều có những xúc cảm riêng. Cả 544 phần mộ liệt sĩ Phú Thọ và Vĩnh Phúc đều nghi ngút khói hương. Khói hương quện cùng mây trắng Trường Sơn đang sà thấp xuống tán cây rừng. Một góc nghĩa trang Trường Sơn là một không gian tâm linh huyền ảo.

Nghe nói, ở Nghĩa trang đường số 9 cũng có khu mộ các liệt sĩ Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trong số các liệt sĩ được quy tập về đây, có nhiều chiến sĩ Sư đoàn 308 anh hùng - đơn vị mà 68 năm trước tại Đền Hùng đã được Bác Hồ căn dặn trước khi về tiếp quản Thủ đô: Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước! Các anh phần lớn hy sinh vào thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến - những năm 1971, 1972, Quảng Trị là chiến trường đỏ lửa.

Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hồng Sơn cùng các doanh nhân đất Tổ kính cẩn dâng hương trước đài tưởng niệm, cùng cắm hương lên tất cả 544 phần mộ các liệt sĩ của quê hương đang an nghỉ tại đây.

Quảng Trị - mảnh đất “ Gió Lào cát trắng” nhưng chan chứa nghĩa tình. Cùng với sự nhiệt tình của các ban quản lý nghĩa trang, di tích là sự tận tâm của những người dân rất đỗi bình thường đối với các phần mộ liệt sĩ trăm miền đang an nghỉ tại quê hương mình. Trong khu vực khu mộ liệt sĩ Vĩnh Phú, chúng tôi đã gặp hai mẹ con bà Đoàn Thị Hồng – người huyện Gio Linh, gần 40 năm nay họ thay nhau hương khói, chăm chút các phần mộ. Cả các cháu thiếu nhi, ngày nghỉ cũng rủ nhau lên nghĩa trang thắp hương, nhổ cỏ…như công việc bình thường mỗi tuần. Giờ đây Quảng Trị đã có một diện mạo mới. Phố sá sầm uất, Đông Hà đã là đô thị lớn. Đường ra cảng biển, đường tới huyện biên giới Việt - Lào dài, rộng thênh thênh. Một miền rừng đông Trường Sơn xanh tươi, ngập tràn sức sống, đang lấp kín dần những hố bom thời trận mạc. Nhiều khu công nghiệp mới đang hình thành có sức thu hút đầu tư của các nhà doanh nghiệp nước ngoài.

Đến đây, chúng tôi bất ngờ trước sự lạc quan của người Quảng Trị. Có rất nhiều bài hát hay về Quảng Trị, về Trường Sơn; và, người Quảng Trị thời nay hay hát, lại hát hay. Nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cũng có thể là hạt nhân trong một cuộc giao lưu văn nghệ; họ đều có thể hát rất hay, cả những bài truyền thống và những bài hát mới, hay nhạc đỏ về Quảng Trị, Thừa Thiên, về đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Tháng bảy, trở về Trường Sơn – Quảng Trị  là hành trình tri ân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của các doanh nhân đất Tổ - Đó là một hành trình khó quên.

NGUYỄN SẢN

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542