VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 11-2022

Cán bộ không được thành lập DN sau khi thôi chức vụ; DN có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng NN; Mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung một số văn bản có hiệu lực trong tháng 11-2022.

 

Cán bộ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ:

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Thông tư 60/2022/TT-BTC quy định về danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Điều 5 Thông tư 60 đã liệt kê cụ thể 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình quản lý sau khi thôi chức vụ gồm: (1) Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán. (2) Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. (3) Quản lý nhà nước về bảo hiểm. (4) Quản lý nhà nước về hải quan. (5) Quản lý nhà nước về giá. (6) Quản lý nhà nước về thuế,  phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước. (7) Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. (8) Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia. (9) Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài. (10) Quản lý nhà nước về ngân sách Nhà nước. (11) Quản lý Nhà nước về tài sản công.

Thời hạn bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã đối với cán bộ của từng lĩnh vực được quy định như sau: Lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về tài sản công: Đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Các lĩnh vực còn lại: Đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17/11/2022.

Doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 15/11/2022, Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài mà không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay sau:

- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.

- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.

- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh sẽ thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả trên Trang điện tử: www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.

Hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022, Thông tư 58/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Thông tư quy định rõ các nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình như:

- Chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Chi nghiên cứu để vận dụng kinh nghiệm quốc tế về đào tạo các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng nghề mới… triển khai trong Chương trình: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.

- Chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

Chi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trong Chương trình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; quy định tại khoản 9 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC....

(Theo Bản tin tuyên truyền Đảng ủy Khối DN tỉnh)

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542