ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẢI THIỆN HỆ THỐNG DỊCH VỤ CÔNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công  trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đòi hỏi tất yếu. Trong những năm qua, nhiều dịch vụ công đã được xã hội hóa và mang lại những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều bất cập cần tháo gỡ...

 

tm-can-thiep-scaled

Ca phầu thuật can thiệp tim mạch tại BV Đa khoa Hùng Vương.

 3-3-scaled

Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo và phóng viên Công ty CP dịch vụ Truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp (Thuộc Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ);  Luật sư Phạm Văn Học - PCT Hiệp hội BV Tư nhân Việt Nam, CT HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương; hội viên Hiệp hội DNNVV tỉnh; Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân huyện Đoan Hùng thẳng thắn chia sẻ quan điểm và ý kiến dưới góc nhìn người thụ hưởng và chịu sự tác động của hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong những năm qua  - vấn đề mà nhiều đại biểu dự Kỳ họp thứ 4 Quốc hội đang bàn thảo sôi nổi…  Cùng dự cuộc trao đổi này có ông Ngô Bắc Hải - Chánh Văn phòng HH DNNVV tỉnh - Giám đốc Cty CP dịch vụ Truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp; ông Đào Văn Mạc- Chủ tịch Hội Doanh nhân huyện Đoàn Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Phú Thọ.

   Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

       P.V: -Ông nhìn nhận thế nào về việc thực hiện các dịch vụ công trong hoạt động y tế?

      Luật sư Phạm Văn Học:

      -Theo thống kê hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục chiếm hơn 80%. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta thu hẹp được số đầu mối các đơn vị làm dịch vụ công thuộc hai lĩnh vực này sẽ góp phần rất tích cực để thực hiện Nghị quyết TW về đổi mới, thu gọn đầu mối. Dịch vụ nào đáp ứng theo nhu cầu xã hội, tư nhân làm được thì Nhà nước sẽ giảm hoặc không phải đầu tư nữa. Đối với Y tế, hiện nay trên cả nước có hơn 1.000 bệnh viện công lập. Ở cấp huyện và cấp TW, việc tổ chức hệ thống các bệnh viện cơ bản  phù hợp và đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, ở cấp tỉnh, hiện nay nhiều nơi tách các chuyên khoa như  Sản, Nhi, Đông y, Phục hồi chức năng…. thành các bệnh viện chuyên khoa khác nhau. Điều này vô tình tạo ra sự cồng kềnh, tốn kém, thiếu sự hợp tác và gây ra một số hệ lụy về chuyên môn.

Tôi xin đưa ra một số ví dụ: Ở tỉnh Yên Bái, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện sản nhi sau khi tách, cách nhau khoảng 15km. Về chuyên môn thực chất nhân sự Bệnh viện sản nhi được chuyển từ khoa Sản và khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa cũ; các bác sĩ chủ yếu là chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi. Khi tiếp nhận bệnh nhân và tiến hành cấp cứu, điều trị, phẫu thuật, thủ thuật các bệnh lý thuộc chuyên khoa sản, nhi có những trường hợp cần sự hỗ trợ từ các chuyên khoa khác như tim mạch, hô hấp, ngoại khoa, huyết học truyền máu…; các bác sĩ sản, nhi khoa không thể đảm đương được và cần điều động các bác sĩ có chuyên khoa sâu thuộc các lĩnh vực có liên quan hỗ trợ, phối hợp thì họ lại ở quá xa mà thời gian diễn ca bệnh thì cần tranh thủ từng giây, từng phút. Hơn nữa, khi đã tách ra thì họ thuộc biên chế, tổ chức và dưới sự chỉ đạo của một bệnh viện khác, điều này khiến các bệnh viện luôn trong trạng thái thiếu bác sĩ và mất an toàn trong cấp cứu, điều trị!

Hay ở tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh cho phép thành lập Bệnh viện chuyên khoa nhi, trong kho đó khoa Sản thì lại nằm tại Bệnh viện đa khoa, còn khoa Nhi thì tách thành một Bệnh viện khác. Do đó nhiều trường hợp sơ sinh bệnh lý hoặc sơ sinh non tháng cần điều trị thì phải chuyển con sang Bệnh viện Nhi, còn mẹ thì nằm khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh, dẫn đến tình trạng, mẹ một nơi, con một nơi!

Hoặc ở Tuyên Quang, cách đây khoảng 20 năm, UBND tỉnh thành lập Bệnh viện Đông y phục hồi chức năng. Sau đó khoảng hơn 10 năm gần đây lại thành lập Trung tâm Hương Sen để phục hồi chức năng và nay chuyển thành Bệnh viện phục hồi chức năng; cả hai Bệnh viện này đều nằm trong thành phố Tuyên Quang và chỉ cách nhau hơn 1km.

Ở tỉnh Phú Thọ chúng tôi, trong địa bàn nội thành Việt Trì tồn tại 04 Bệnh viện cấp tỉnh gồm: Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - PHCN và Bệnh viện mắt.”

Chúng tôi thấy rằng, việc tách nhỏ ra như thế trước hết rất lãng phí nhân lực và trang thiệt bị. Mỗi Bệnh viện có một Ban giám đốc, một bộ máy hành chính cồng kềnh, một hệ thống máy móc trang thiết bị y tế tốn kém và luôn tiềm ẩn rủi ro cho người bệnh vì lực lượng bác sĩ bị phân tán và không đáp ứng được trong các tình huống cấp cứu.

P.V: -Từ thực tế nêu trên, nhằm tinh gọn hệ thống, tiết kiệm kinh phí, ngân sách và đảm bảo an toàn điều trị, ông có đề xuất gì để cải thiện dịch vụ công trong lĩnh vực y tế?

Luật sư Phạm Văn Học: -Tôi có hai đề xuất như sau:

- Một là, ở mỗi địa phương chỉ nên để 03 đơn vị Bệnh viện cấp tỉnh, đó là Bệnh viện Lao,  Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa. Các chuyên khoa gồm: Sản, Nhi, Đông y, Phục hồi chức năng, Mắt… ghép trở lại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Việc này sẽ giúp giảm hàng trăm đầu mối, tiết kiệm rất nhiều kinh phí, ngân sách và hoàn toàn phù hợp với khoa học Y khoa.

- Hai là, một vấn đề khác cũng rất cần quan tâm, đó là hiện nay toàn bộ hệ thống các đơn vị cung cấp dịch vụ công (đơn vị sự nghiệp công) hoạt động mà chưa có Luật. Chúng ta chưa có Luật tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp, tất cả hoạt động của cả hệ thống này đều thực hiện theo các nghị định nên vừa phân tán, vừa chồng chéo. Đã đến lúc Nhà nước phải xây dựng các Luật tương ứng cho các đơn vị này (ví dụ: Luật tổ chức Bệnh viện công lập, Luật tổ chức trường đại học công lập). Hiện nay chúng ta đã có Luật Giáo dục và Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên các luật này chỉ quy định được về nghiệp vụ, chuyên môn, các điều kiện hành nghề…., còn về tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, kinh tế, mối quan hệ nội tại, các vấn đề vi mô, vĩ mô của một  đơn vị… thì chưa hề có một quy định cụ thể nào điều chỉnh. Trong khi đó, chỉ tính riêng bệnh viện công, cả nước có hơn 1.000 đơn vị đang hoạt động; mỗi năm sử dụng một khoản kinh phí khổng lồ. Ở đó hàng ngày diễn ra chằng chịt các mối quan hệ xoay quanh về các yếu tố: Kinh tế, Dân sự, Lao động, Thương mại… rất cần phải được Luật hóa. Một nghịch lý là, chúng ta có rất nhiều Luật, có Luật Hợp tác xã nhưng lại không có Luật tổ chức Bệnh viện, Luật tổ chức trường Đại học công lập. Đây là một kẽ hở vô cùng lớn khiến các bệnh viện hoạt động tròng trành, không có hành lang pháp lý, không có định hướng. Do vậy, đã đến lúc Chính phủ, Quốc hội phải nghĩ đến việc xây dựng và ban hành Luật  tổ chức Bệnh viện công và Luật tổ chức trường Đại học công lập!

P.V: - Những năm qua, Nghị quyết Trung ương có định hướng khuyến khích chuyển dịch các dịch vụ công mà khu vực tư nhân có thể làm được, nhằm tinh giảm đầu mối và tiết giảm chi ngân sách để làm các dịch vụ công. Điều này hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên đối với Y tế, dường như chưa hoàn toàn như vậy! Theo ông, chúng ta nên nhìn nhận như thế nào?

Luật sư Phạm Văn Học: - Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trên cả nước hệ thống y tế tư nhân hiện có hơn 300 Bệnh viện chuyên khoa và đa khoa và mới chiếm 5,6% số giường bệnh thực kê, phần còn lại vẫn là y tế công. Theo Nghị quyết 20/NQ-TW-2017 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trên là 10% và đến 2030 mới là 15%. Nếu thực hiện đạt mục tiêu này thì so với quốc tế, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Ở Trung Quốc tỷ lệ gường bệnh bệnh viên tư nhân/ giường bệnh bệnh viện công là 60/40, ở Nhật Bản là 80/20! Ở nước ta tuy chỉ chiếm 5,6% số gường bệnh nhưng thực tế những năm qua, khu vực Y tế tư nhân làm rất tốt công tác chuyên môn: Tỷ lệ tai biến rất thấp, người bệnh hài lòng. Vậy nếu mong muốn dịch vụ Y tế công thu hẹp để nhường kỷ phần cho Y tế tư có cơ hội phát triển hơn nữa thì theo tôi, chúng ta cần làm hai việc:

Thứ nhất, cần điều chỉnh mục tiêu tỷ lệ giường bệnh tư nhân trong Nghị quyết 20/NQ-TW 2017 lên trên ít nhất là 20% (năm 2025) và 35 % (năm 2030); đồng thời tăng cường các chính sách cởi mở hơn và cần có định nghĩa rõ ràng các khái niệm, tránh hiểu lầm. Tôi xin nhắc lai, tỷ lệ đó là mức tối thiểu chứ không phải giới hạn cần đạt được. Hiện nay một số địa phương cho rằng, tỉnh chỉ cần đạt được 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030; nếu đạt được rồi thì sẽ ban hành các chính sách nhằm hạn chế để tránh đi ngược lại Nghị quyết!

Thứ hai, giống như một số lĩnh vực khác, như Công chứng, Giám định…; ở đâu tư nhân đã phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân rồi thì ở đó sẽ hạn chế đầu tư công, tránh tình trạng có tư nhân rồi nhưng nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư, thậm chí đầu tư nhiều hơn để cạnh tranh với tư nhân. Như vậy sao gọi là khuyến khích?

P.V: Sự tồn tại bệnh viện công là cần thiết vè nó gánh trên vai sứ mệnh về an sinh xã hội phù hợp. Chúng tôi cho rằng, đảm nhiệm các dịch vụ công thì các bệnh viện công cần đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng hoạt động?

 

       Luật sư Phạm Văn Học: - Song song với việc nghiên cứu nhằm đổi mới về lượng, chúng ta cũng cần có những Nghị quyết nhằm tạo đổi mới về chất. Bởi lẽ trên thực tế hiện nay ở các đơn vị cung cấp dịch vụ công vẫn còn hiện tượng hành chính, máy móc làm ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ, gây lãng phí tiền bạc của người dân và ngân sách của nhà nước. Ví dụ: Hiện nay chúng ta có khoảng 1.400 bệnh viện công lập ở cả ba cấp, mỗi ngày ước tính có trung bình 80 bệnh nhân khỏi bệnh và được ra viện. Tuy nhiên, do cơ cấu tổ chức, Luật lao động…; toàn bộ khối hành chính các bệnh viện công không làm việc ngày thứ Bảy và Chủ nhật; khối chuyên môn chỉ bao gồm trực lãnh đạo, trực cấp cứu…Vì vậy, toàn bộ số bệnh nhân khỏi bệnh vào chiều thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật sẽ chỉ được ra viện vào sáng thứ Hai. Mặc dù đã khỏi bệnh nhưng chưa được ra viện nên các ngày nằm thêm tại Bệnh viện, bệnh nhân vẫn được bác sĩ, điều dưỡng thăm khám, vẫn phải dùng thuốc, người nhà vẫn phải ở lại để chăm sóc và cơ quan BHYT vẫn phải chi trả tất cả các khoản chi phí đó, lẽ ra không cần chi cho người đã lành bệnh.

Theo khảo sát, hiện nay mỗi bệnh nhân sẽ tiêu tốn khoảng 1.200.000 VNĐ/ngày (bao gồm cả tiền bệnh nhân đồng chi trả và BHYT chi trả, chi phí cho bệnh nhân và chi phí người nhà thăm nuôi). Tạm tính, nếu mỗi ngày ở một bệnh viện trung bình có 80 bệnh nhân đủ điều kiện được ra viện, nhưng vì rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật nên không ra được. Mỗi tháng có 8 ngày là thứ Bảy và Chủ nhật: 80 x 8 = 640 bệnh nhân không được ra viện ở một bệnh viện, cả nước có 1400 bệnh viện: 1.400 x 640 =  896.000 bệnh nhân đủ điều kiện nhưng không được ra viện. Một năm có 12 tháng: 12 x 896.000 =10.752.000 người/ngày. Nếu mỗi ngày mỗi bệnh nhân cần chi 1.200.000 VNĐ thì trong 1 năm sẽ là con số phải chi vô cùng lớn, làm tròn số là 12 nghìn 902 tỷ đồng.

Như vậy, nếu các Bệnh viện công làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật thì mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được một số tiền không hề nhỏ và giúp người bệnh không bị “mất tiềnoan” như hiện nay!

z3860554045783_45360b8123ed037a863c87045ead5dd7

z3860552887038_2aa9fb50cf0797de7b4fe0beafb005b7

L.S Phạm Văn Học trao đổi với phóng viên và lãnh đạo Công ty CP dịch vụ Truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp

P.V: - Đó là một ví dụ và dẫn chứng rất hay về một trong nhiều bất cập mà chúng ta cần sớm khắc phục. Từ thực trạng công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông có đề xuất gì về việc xây dựng hệ thống giám định độc lập hoặc xã hội hóa công tác giám định trong giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong BHYT?

Luật sư Phạm Văn Học:  - Hiện nay, trên cả nước chỉ có gần 2.800 giám định viên, trong khi có tới 13.140 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh BHYT (bao gồm các Trạm y tế tuyến xã, các Bệnh viện công lập, các Phòng khám, Bệnh viện tư nhân…). Theo số liệu năm 2021, toàn quốc có 125,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tương đương với đó là chi phí khám chữa bệnh BHYT khoảng 86.698,7 tỷ đồng. Như vậy, nếu chỉ giám định chọn mẫu khoảng 30% tổng số hồ sơ và chi phí khám chữa bệnh thì mỗi giám định viên năm 2021 “gánh” khoảng 13.479 hồ sơ và 9,29 tỷ đồng chi phí. Với tổng số hồ sơ, chi phí khổng lồ và số cơ sở y tế cần phải quản lý như vậy là quá sức so với các giám định viên trong suốt thời gian qua!

Mặt khác, hiện nay do trình độ của giám định viên chưa đồng đều và chưa đủ mạnh nên vẫn còn nhiều kẽ hở, nhiều vụ việc có dấu hiệu trục lợi quỹ chưa được phát hiện, dẫn đến thất thoát và nhiều hệ lụy khác.

Sự quá tải trong công việc này của giám định viên đã đặt ra câu hỏi: Liệu chất lượng giám định có đảm bảo ? Các bệnh viện có thể yên tâm khi giám định viên ký hồ sơ quyết toán ??? Trên thực tế, khi giám định viên ký hồ sơ quyết toán thì các Bệnh viện vẫn có nguy cơ bị xuất toán nếu sau ký quyết toán là đợt thanh - kiểm tra của cơ quan BHXH, cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Mặt khác, hiện nay giám định viên BHYT là nhân viên thuộc cơ quan BHXH – cơ quan đang chịu trách nhiệm quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT. Vì vậy, hiện tại công tác giám định đang là “vừa đá bóng vừa thổi còi” do chưa thực sự đạt được sự khách quan cần thiết.

Do đó, việc thực hiện giám định độc lập kèm theo đó là giám định viên hoạt động độc lập là sự cần thiết. Nếu với số lượng giám định viên hiện nay chưa có thể đáp ứng được nhu cầu giám định thì nhân lực hoàn toàn có thể được bổ sung từ nguồn xã hội hóa.

Hiện tại ở Việt Nam, mô hình giám định độc lập khá phát triển trong lĩnh vực Bảo hiểm nhân thọ, Giám định tư pháp, Giám định tài chính. Đã có không ít công ty hoạt động trong lĩnh vực giám định độc lập, đặc biệt là giám định về bảo lãnh chi phí khám chữa bệnh trong các gói chăm sóc sức khỏe của các công ty Bảo hiểm như Daiichi, Frudential, AIA…Đó là các công ty INSMART, Pacific Cross… Kết quả giám định hồ sơ khám chữa bệnh của công ty này có độ chính xác, có chuẩn mực nhất định và uy tín cao. Như vậy, khi bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở Y tế cũng không băn khoăn về quyền lợi được hưởng. Cơ sở Y tế không phải mang nỗi lo về mất chi phí do xuất toán.

Hiện nay, ở một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, việc giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT do một cơ quan độc lập thực hiện. Cơ quan này thuộc Chính phủ (không phụ thuộc mà độc lập với cơ sở Y tế và cơ quan bảo hiểm). Còn ở Việt Nam, các cơ quan hành chính hưởng lương từ ngân sách đã quá cồng kềnh, chúng ta không thể thành lập thêm một đơn vị hành chính mới. Vậy nên, theo chúng tôi, với đặc thù riêng, Việt Nam hoàn toàn có thể “Xã hội hóa” công tác giám định, giống như một đơn vị kiểm toán . Như vậy việc giám định sẽ đảm bảo khách quan khi có ba đối tượng cùng giám sát, đó là: Cơ sở y tế (đơn vị sử dụng quỹ BHYT), cơ quan BHYT và người bệnh. Theo cách này, dù ai làm giám định thì cũng sẽ khách quan. Mặt khác, chúng ta sẽ tận dụng được nguồn lực của xã hội  (hiện nay rất dồi dào) mà không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước vì chi phí giám định độc lập được trích từ phần thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh!

Tôi cho rằng, nguồn nhân lực từ nguồn xã hội hóa có thể đáp ứng được yêu cầu giám định cả về số lượng và chất lượng, về mặt chuyên môn và an toàn pháp lý, vì hiện nay ba nguồn nhân sự gồm: Bác sĩ, nhân viên tài chính, nhân viên công nghệ thông tin ở Việt Nam rất rồi dào. Các bác sĩ nếu là ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng các đối tượng đã nghỉ hưu, có thể họ không còn phù hợp trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nhưng lại thừa và đủ điều kiện để làm giám định (điều này ở các đơn vị công lập không thực hiện được). Nếu các cơ quan nhà nước cho phép và thành lập được bộ quy tắc về chuẩn mực giám định độc lập thì đây là điều hoàn toàn có thể làm được và chắc chắn sẽ làm rất tốt, uy tín cũng như chữ ký của giám định viên sẽ có giá trị thực sự. Hiện nay một số dịch vụ công, vốn trước đây chỉ thuộc về nhà nước thì nay đã được xã hội hóa, như  Y tế tư nhân, Văn phòng công chứng tư nhân, Trạm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân….Kết quả của mô hình này nếu có thể thành lập được sẽ giảm tải nhiều gánh nặng cho cơ quan BHYT. Lợi ích mà nó mang lại sẽ lớn hơn như việc xã hội hóa Y tế, xã hội hóa Tư pháp, xã hội hóa đăng kiểm xe cơ giới.

P.V: Những điều ông vừa đề cập, cần nhìn nhận đó là một thực trạng, muốn giải quyết cần có những tác động vĩ mô. Từ thực trạng ấy, ông đề xuất cụ thể gì?

Luật sư Phạm Văn Học: - Tôi có 3 đề xuất đều liên quan đến tầm vĩ mô:

  1. 1. Chính phủ nên ban hành Nghị định nhằm chuẩn hóa địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của giám định viên BHYT, coi đó là một chức danh, một nghề, cấp thẻ hành nghề, tương tự Công chứng viên, Luật sư. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức giám định độc lập và cho phép thí điểm thành lập các đơn vị giám định độc lập theo mô hình xã hội hóa, cụ thể : Do các công ty tư nhân thành lập hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam tổ chức thực hiện.
  2. 2. Cơ chế hoạt động của các đơn vị giám định độc lập này thực hiện theo các luật chuyên ngành đã có, như Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Doanh nghiệp…Các đơn vị này hoạt động độc lập, tuân thủ pháp luật và chịu sự giám sát, quản lý của Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  3. 3. Chi phí thành lập và hoạt động do các nhà đầu tư tư nhân tự chịu trách nhiệm; kinh phí duy trì hoạt động được trích từ chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở Y tế.

P.V: - Xin cảm ơn ông vì những nội dung trao đổi trên đây. Chúng tôi cho rằng những ý kiến của người trực tiếp chỉ đạo y tế như ông rất đáng tham khảo khi xác lập các chính sách và giải pháp ở tầm vĩ mô để nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế. Được biết những nội dung này ông cũng đã tham góp trong một Hội thảo mà Ban Kinh tế Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức.

NGUYỄN SẢN

(Thực hiện)

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

        BẢN QUYỀN THUỘC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA PHÚ THỌ

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội.
  • Biên tập & Quản trị Website: Nhà báo Nguyễn Sản
  • Trụ sở: Số 281 đường Tiên Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ
  • Điện thoại: 02103 966799 - Fax: 02103 953542