Chiều 8/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đại biểu dự Hội nghị
Dự hội nghị có lãnh đạo một số cơ quan của tỉnh, lãnh đạo một số tổ chức doanh nghiệp, các phòng chuyên môn của NHNN Chi nhánh tỉnh và đại diện lãnh đạo các ngân hang, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đại diện lãnh đạo Hiệp hội DNNVV tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Sản – Tổng Thư ký Hiệp hội,
Năm 2024, ngành Ngân hàng (NH) Phú Thọ đã chủ động bám sát thực tế, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và NHNN Việt Nam, triển khai, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Hoạt động huy động vốn và tín dụng trên địa bàn đạt được kết quả tích cực.
Tổng nguồn vốn huy động đến 31/12/2024 đạt 99.945 tỷ đồng, tăng 11,33 nghìn tỷ đồng, tăng 12,82% so với năm 2023. Tổng dư nợ đạt 115 nghìn tỷ đồng, tăng 11 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2023. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu được kiểm soát. Đến hết năm 2024, nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) của hệ thống ngân hàng là 851 tỷ đồng, giảm 14 tỷ đồng so với năm 2023, chiếm tỉ lệ 0,73%/tổng dư nợ toàn địa bàn.
NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; cho vay sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản theo gói tín dụng 60.000 tỷ đồng theo Văn bản số 7849/NHNN-TD... cơ cấu tín dụng được chuyển dịch theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Toàn ngành tích cực triển khai các Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; các NHTM đã chủ động tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, các NHTM, Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động, khẩn trương rà soát tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Năm 2025, trên cơ sở định hướng chỉ đạo, điều hành chính sách của NHNN Việt Nam và định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, hệ thống ngân hàng tỉnh đề ra mục tiêu huy động vốn tăng 10-12%; tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 10-12%; nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ ngân hàng trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.
Cùng tham gia thảo luận với các ngân hàng, đồng chí Nguyễn Sản – Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV chúc mừng các kết quả mà toàn ngành ngân hàng đạt được trong năm 2024; làm rõ nhu cầu vốn của các DNNVV và khả năng đáp ứng của ngân hàng. Theo đó, năm 2024 có thêm 509 DNNVV được vay vốn ngân hàng, nâng số doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với ngân hàng là 1.876 với tổng dư nợ hơn 15.050 tỷ đồng. Đại diện Hiệp hội đề xuất, trong năm 2025 giữa Hiệp hội DNNVV và NHNN chi nhánh tỉnh cũng như các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả; trên cơ sở Luật hỗ trợ DNNVV để có những hỗ trợ ưu đãi về tín dụng đối với DNNVV…
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ Phạm Trường Giang phát biểu
Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ Nguyễn Sản phát biểu về Chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ Phạm Trường Giang nhấn mạnh: Năm 2025 là năm bứt phá về đích thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, cùng với bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, ngành sẽ chủ động, theo dõi sát diễn biến tình hình KT-XH để tham mưu và định hướng chỉ đạo, quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, hoạt động NH trên địa bàn đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tỉnh Phú Thọ.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành sẽ tập trung chỉ đạo các NH, TCTD bám sát kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến tình hình KT-XH trên địa bàn; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Chỉ đạo triển khai, thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản và các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh...
Giám sát chặt chẽ về tổ chức và hoạt động của các NH và QTDND trên địa bàn; tăng cường đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo để phòng tránh rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số đáp ứng tốt cho yêu cầu đổi mới sáng tạo trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; chú trọng công tác an ninh, bảo mật trong thanh toán. Thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của NHNN theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN Việt Nam...
Đối với NH, TCTD trên địa bàn, cần chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2025 phù hợp với chỉ đạo của Tỉnh, của NHNN và của NH cấp trên, phù hợp tình hình KT-XH và hoạt động trên địa bàn. Đẩy mạnh huy động vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen; chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số...
NGUYỄN SẢN
Người gửi / điện thoại